(MPI Portal) – Trước thềm Hội nghị CG, sáng ngày 02/12/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) với chủ đề "Giai đoạn mới cho tăng trưởng cạnh tranh"
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2011. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tập trung vào 3 bước đột phá cải cách thể chế, tăng cường nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng
Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát,ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nền kinh tế được định hướng phát triển theo chiều sâu, ưu tiên bảo vệ môi trường, chú trọng đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung vào cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, và tái cơ cấu ngân hàng chủ yếu là tái cơ cấu ngân hàng thương mại. Việt Nam tập trung vào 3 bước đột phá là cải cách thể chế, tăng cường nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác và ủng hộ của WB, IFC dù cơ cấu tổ chức của Diễn đàn có sự thay đổi.
Ông Simon Andrews, Giám đốc IFC tại Việt Nam cho rằng, năm 2011 là năm khó khăn của Việt Nam. Chính sách tiền tệ của Chính phủ cần phải được thắt chặt, cần có những cải cách sâu rộng trong khu vực kinh tế nhà nước và hệ thống ngân hàng - tài chính. Bên cạnh đó, vai trò của khu vực tư nhân cần phải được nâng cao hơn trong sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, chia sẻ, mặc dù chịu những tác động trực tiếp rất khó khăn nhưng đa số các doanh nghiệp được điều tra vẫn tin tưởng rằng trong thời gian tới Chính phủ nên kiên trì thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm rào cải gia nhập thị trường bên cạnh cải thiện hệ thống hạ tầng vận tải, năng lượng… là những khuyến nghị hàng đầu của các doanh nghiệp.
Còn theo ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút lòng tin của các doanh nghiệp với Việt Nam là do tỉ lệ lạm phát cao, kèm theo sự khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Sự thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng và các gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn tiếp diễn.
Tạo môi trường kinh doanh minh bạch và chống tham nhũng
Các doanh nghiệp khuyến nghị Chính phủ cần tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho các doanh nghiệp.
Theo đại diện của EuroCham, hối lộ và tham nhũng đang ảnh hưởng đến thể chế dân chủ, quản trị doanh nghiệp và sự hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp. Nó không khuyến khích đầu tư mà còn làm xói mòn sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây không chỉ là rào cản cho các doanh nghiệp châu Âu mà còn là rào cản cho các doanh nghiệp nước ngoài khác muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp châu Âu mong muốn tình trạng này sớm được cải thiện khi Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, một loạt các vấn đề mới liên quan đến tiếp cận thị trường ảnh hưởng đáng kể đến việc nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam đã tiếp tục làm xói mòn lòng tin của các doanh nghiệp châu Âu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
EuroCham cũng nhận định rằng, muốn duy trì sức cạnh tranh và giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định trong thời gian dài thì Chính phủ Việt Nam cần tập trung vào các vấn đề như: bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao chất lượng lao động…
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Diễn đàn doanh nghiệp cũng đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến thị trường vốn, ngân hàng, sản xuất và phân phối… và đưa ra những kiến nghị để gửi đến Hội nghị nhóm tưvấn các nhà tài trợ cho Việt Nam sẽ được tổ chức vào ngày 06/12/2011./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư