Theo báo cáo Thịnh vượng 2012 do Knight Frank & Citi Private Bank tiến hành, với nền kinh tế giá trị 85,970 tỷ USD, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn nhất vào năm 2050.
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ “soán ngôi” của Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2020.
Báo cáo trên nêu rõ GDP của Ấn Độ sẽ đạt 85,970 tỷ USD tính về ngang bằng sức mua (purchasing power parity) vào năm 2050, trong khi GDP của Trung Quốc sẽ đạt 80,020 tỷ vào thời kỳ đó.
Mỹ hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ tụt xa hai nước châu Á này, với GDP ở mức 39,070 tỷ vào năm 2050.
Các quốc gia khác nằm trong “tốp ten” các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là Indonesia (đứng thứ 4), Brazil (thứ 5), Nigeria (thứ 6), Nga ( thứ 7), Mexico (thứ 8), Nhật Bản (thứ 9) và Ai Cập (thứ 10).
Nếu tính về mức độ tăng trưởng trong giai đoạn 2010-2050 thì Ấn Độ sẽ là nền kinh tế tăng nhanh thứ hai thế giới, với mức 8%; đứng đầu là Nigeria, với 8,5%.
Năm 2010, Ấn Độ đã là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, có giá trị 3,920 tỷ USD so với 9,980 tỷ USD của Trung Quốc và 14,120 tỷ của Mỹ./.