10 nước ASEAN và các đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (ASEAN + 3) đã sẵn sàng tăng gấp đôi quỹ dự trữ phòng chống khủng hoảng kinh tế theo Sáng kiến Chiang Mai.
Ngày 28/3, các nhà kinh tế LHQ và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, năng lực của quỹ này sẽ tăng từ 120 tỷ USD lên 240 tỷ USD. Đây là động thái của ASEAN+3 muốn giảm sự phụ thuộc vào các nguồn hỗ trợ tài chính truyền thống chống khủng hoảng (như vốn từ IMF), trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu đã làm cạn kiệt nguồn tín dụng của IMF.
Các nhà kinh tế LHQ nhấn mạnh Khu vực đồng Euro (Eurozone) có thể chiếm tới 80% tổng nguồn tín dụng của IMF vào năm 2014. Do vậy, các nước châu Á, trong đó có các nước ASEAN phải ngày càng dựa vào chính nguồn lực khu vực của mình để tự bảo vệ.
Tăng quỹ dự trữ ngoại tệ phòng chống khủng hoảng của ASEAN theo Sáng kiến Chiang Mai cũng nằm trong tổng quỹ dự trữ ngoại tệ lên tới 6.500 tỷ USD của châu Á.
Quỹ dự trữ phòng chống khủng hoảng này cũng mở rộng tiếp cận để giúp các nước ASEAN trước đây phải nhận cứu trợ khủng hoảng từ IMF, với các điều kiện khắt khe như phải cắt giảm chi tiêu và tăng lãi suất, nay có thể bảo vệ được đồng tiền của mình trong thời khủng hoảng. Tuy nhiên, các nước châu Á vẫn kêu gọi IMF đóng vai trò tích cực và hỗ trợ cho các hiệp định tài chính khu vực như Sáng kiến Chiang Mai.
Sáng kiến Chiang Mai bổ sung cho các hiệp định tài chính quốc tế hiện hành thông qua các giao dịch trao đổi tiền tệ giữa các nước thành viên ASEAN và các đối tác cần nguồn cứu trợ để vượt qua khủng hoảng hoặc hành động như là nguồn hỗ trợ tài chính tin cậy cho các nền kinh tế đang mất cân bằng cán cân thanh toán hoặc gặp khó khăn về nguồn vốn trong ngắn hạn./.
Nguyễn Hoa
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ