Tham dự Diễn đàn Kinh tế biển Việt Nam lần II với chủ đề “Tổ chức không gian phát triển kinh tế biển: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam”, diễn ra tại thành phố Vũng Tàu, ngày 8/6, các đại biểu đều cho rằng quy hoạch không gian biển là yếu tố quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế biển bền vững.
Theo TS Hoàng Ngọc Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khác với đất liền, không gian kinh tế biển mở rộng, tiềm năng không gian biển cho phát triển còn rất lớn, tập trung chủ yếu vào các mảng: không gian vùng bờ (ven biển và ven bờ); không gian biển; không gian đảo; và không gian đại dương. Đặc biệt phát triển vùng ven biển nhằm tạo động lực lan tỏa hỗ trợ phát triển vùng trung du – miền núi, đồng thời tạo cơ sở cho phát triển một nền kinh tế biển vững chắc và lâu dài mang tầm chiến lược.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh, không gian kinh tế biển rộng mở, khá đa dạng và luôn tác động tương hỗ nhau cả về mặt tự nhiên và phát triển. Vì vậy, khi quy hoạch cần tập trung vào các mảng không gian như: không gian vùng duyên hải, không gian biển, không gian đảo và không gian đại dương.
Tuy vậy, Việt Nam còn thiếu quy hoạch tổng thể cho cả nước và từng ngành kinh tế thành phần trong kinh tế biển. Mô hình phát triển kinh tế biển hiện nay của nước ta đã lạc hậu, vấn đề đầu tư cho giao thông để kết nối các cảng biển với giao thông nội địa còn yếu, làm giảm sự phát triển của kinh tế biển, do đó, phải có chương trình khoa học về biển, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng các khu kinh tế biển.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng nên đặt vấn đề không gian biển với tái cấu trúc nền kinh tế.
Phát triển không gian kinh tế biển cần xác định tiềm năng, thế mạnh không gian kinh tế biển từng địa phương như ngư trường, ngư trường hay khoáng sản… trong đó vốn đầu tư nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển các ngành kinh tế biển. Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay vốn đầu tư nước ngoài tại các địa phương có biển ở nước ta là gần 117,5 tỷ USD.
Trong giai đoạn 2013-2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chọn một số khu kinh tế trọng điểm (dự kiến là 5 nhóm khu kinh tế) tập trung cũng như mời gọi vốn đầu tư nước ngoài gồm: Khu kinh tế dịch vụ Cát Hải – Hải Phòng, nhóm khu kinh tế Chu Lai – Dung Quất; nhóm khu kinh tế đảo Phú Quốc và Vùng đảo Nam An Thới; Khu kinh tế Nghi Sơn; Khu kinh tế Vũng Áng./.
Đức Hải
Cổng thông tin điện tử Chính phủ