Trong khuôn khổ Hội nghị giữa kỳ Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG 2012), Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh trao đổi về tình hình và kế hoạch thu hút, giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Việt Nam.
Năm 2012 được coi là năm giải ngân ODA của Việt Nam, vậy tình hình giải ngân trong 5 tháng đầu năm như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Chính phủ Việt Nam đã cam kết với các nhà tài trợ rằng, năm 2012 là năm tạo ra sự đột phá về giải ngân vốn ODA. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ tổ chức các cuộc họp kiểm điểm chung về tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Nhờ đó, tình hình giải ngân vốn ODA trong 5 tháng đầu năm đã có bước cải thiện rõ rệt, ước đạt hơn 1,82 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xin Thứ trưởng cho biết, đâu là những khó khăn lớn nhất trong việc giải ngân ODA thời gian qua?
Mặc dù công tác vận động, thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA đạt được nhiều tiến bộ, song có thể thấy, công tác giải ngân vốn ODA vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Ngoài các nguyên nhân khách quan, có không ít nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA.
Trước hết, đó là những vướng mắc về thể chế, chính sách liên quan đến ODA, như hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, thời gian chuẩn bị dự án và chuẩn bị thực hiện dự án còn kéo dài, dẫn đến việc dự án phải điều chỉnh...
Thứ trưởng dự báo thế nào về tình hình thu hút ODA trong thời gian tới, khi Việt Nam về cơ bản trở thành một nước có mức thu nhập trung bình?
Chính sách viện trợ của các đối tác phát triển cho Việt Nam sẽ có những thay đổi để phù hợp với bối cảnh Việt Nam đã thuộc nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp. Theo đó, một số nhà tài trợ song phương sẽ chuyển đổi hình thức quan hệ hợp tác phát triển chính thức với Việt Nam sang hỗ trợ trực tiếp để phát triển quan hệ hợp tác giữa các đối tác, như quan hệ trực tiếp giữa các trường đại học, các viện, các trung tâm nghiên cứu, hoặc giữa các tổ chức của hai bên...; một số nhà tài trợ có thể chấm dứt chương trình cung cấp ODA cho Việt Nam.
Do những thay đổi đó, thời gian tới, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại sẽ giảm, trong khi vốn vay ưu đãi có chiều hướng tăng lên. Chính vì vậy, cần có cách tiếp cận linh hoạt theo hướng sử dụng tối đa các khoản vay ODA với các điều kiện ưu đãi, đặc biệt trong giai đoạn 2011 - 2015.
Thứ trưởng có thông điệp gì gửi đến các nhà tài trợ liên quan đến việc sử dụng hiệu quả vốn ODA?
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hơn nữa khung thể chế, pháp lý về ODA theo hướng đơn giản hóa, hài hòa hóa và tinh giản quy trình thủ tục, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Chính phủ Việt Nam đang xây dựng và thực hiện Tuyên bố đối tác Việt Nam vì hợp tác phát triển có hiệu quả, trên cơ sở Tuyên bố Đối tác Busan được quốc tế thông qua tại Diễn đàn cấp cao lần thứ tư về hiệu quả viện trợ (HLF-4) vào tháng 12/2011. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA sẽ ngày càng hiệu quả hơn.
Chính phủ Việt Nam đánh giá cao những kết quả mà các hội nghị CG mang lại và sẽ cùng với các nhà tài trợ nâng cao chất lượng và hiệu quả đối thoại chính sách, thông qua việc cải tiến cách thức và đổi mới nội dung các hội nghị này trong thời gian tới. Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn các nhà tài trợ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong công cuộc phát triển, giảm nghèo và đối phó với biến đổi khí hậu./.