(MPI Portal) – Ngày 25/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
|
Việt Nam ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% năm 2020 và 6,0% vào năm 2030. Ảnh: Nguồn Internet
|
Tiến đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững
Mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phác thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu;
Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.
Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2011 - 2020: giảm cường độ phát thải nhà kính 8 -10% so với năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 - 1,5% mỗi năm. Giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10% đến 20% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó, mức tự nguyện khoảng 10%, 10% còn lại mức phấn đấu khi có thêm hỗ trợ quốc tế.
Định hướng đến năm 2030: giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5 – 2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20% đến 30% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó, mức tự nguyện khoảng 20%, 10% còn lại mức khi có thêm hỗ trợ quốc tế.
Định hướng đến năm 2050: giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm từ 1,5-2%.
Xanh hóa sản xuất
|
“Xanh hóa” nền kinh tế khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghiệp thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm đang dần trở thành một trong những xu hướng chính trong chủ trương phát triển bền vững của Việt Nam. Ảnh Internet
|
Thực hiện một số chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghiệp thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm.
Những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 gồm: giá trị sản xuất ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42 – 45% tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường là 80%, áp dụng công nghệ sạch là hơn 50%, đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên phấn đấu đạt 3 – 4% GDP.
Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững
|
Các thí sinh đại diện cho 54 dân tộc trình diễn trang phục truyền thống tại Lễ hội Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất. Ảnh: Internet
|
Kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại để tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam hiện đại. Thực hiện đô thị hóa nhanh, bền vững, duy trì lối sống hòa hợp với thiên nhiên ở nông thôn và tạo lập thói quen tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới toàn cầu.
Những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 gồm: tỷ lệ đô thị loại III có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định: 60%, với đô thị loại IV, loại V và các làng nghề: 40%, cải thiện môi trường khu vực bị ô nhiễm nặng 100%, tỷ lệ chất thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn theo Quyết định số 2149/QĐ-TTg, diện tích cây xanh đạt tương ứng tiêu chuẩn đô thị, tỉ trọng dịch vụ vận tải công cộng ở đô thị lớn và vừa 35 – 45%, tỷ lệ đô thị lớn và vừa đạt tiêu chí đô thị xanh phấn đấu đạt 50%.
Phân kỳ nhằm thực hiện tốt Chiến lược:
Trong giai đoạn 2011 – 2020: tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng cơ chế chính sách, bộ máy quản lý thực hiện chiến lược; Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu và công cụ quản lý, bộ chỉ số tiêu chuẩn, quy chuẩn về tăng trưởng xanh; Xác định các dự án trọng điểm về tăng trưởng xanh/các - bon thấp, xanh hóa các ngành sản xuất, một số dự án thí điểm về quy hoạch tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội “định hướng tăng trưởng xanh” cấp tỉnh, thành phố.
Giai đoạn 2021 – 2030: tiếp tục hoàn thiện thể chế và chính sách tăng trưởng xanh, điều chỉnh và nâng quy mô triển khai trên cơ sở định kỳ theo dõi, đánh giá; Mở rộng quy mô thí điểm và nhân rộng các quy hoạch tổng thể, các chương trình, dự án trọng điểm; Đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo mô hình nền kinh tế xanh.
Giai đoạn 2031 – 2050: căn cứ vào việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2012 – 2030 và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và bối cảnh quốc tế để xác định các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể.
Theo Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối về tăng trưởng xanh, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược này; Hướng dẫn, giám sát, đánh giá, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược và báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ; Tổ chức sơ kết 5 năm một lần, giữa kỳ vào năm 2020 và tổng kết vào cuối năm 2030.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xác định và phân bổ nguồn tài chính trong nước và điều phối các nguồn tài trợ của nước ngoài, cơ chế chính sách thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh.../.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư