Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi cách nghĩ của nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối cũng như người tiêu dùng, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng trong nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
|
Hội nghị tổng kết 5 năm Cuộc vận động Người ưu tiên dùng hàng Việt Nam
(Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Đáng chú ý, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội (Ban Tổ chức Trung ương) thực hiện tháng 7/2014, có 63% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam (tăng 4% so với năm 2010) và 92% người tiêu dùng được hỏi rất quan tâm đến cuộc vận động này
Đó là điểm nổi bật được ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đưa ra tại hội nghị tổng kết 5 năm Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức ngày 11/10, tại Hà Nội.
Nhấn mạnh thêm ý nghĩa của Cuộc vận động, ông Lê Bá Trình cho biết, tính từ thời điểm bắt đầu khởi xướng cuộc vận động từ năm 2008 đến nay thị phần hàng Việt không ngừng tăng lên
"Nếu như trước đây, hàng Việt chỉ chiếm một phần khá khiêm tốn trong hệ thống các kênh bán lẻ hiện đại thì đến thời điểm này hàng Việt đã chiếm đến 80 - 90%," ông Lê Bá Trình cho hay
Báo cáo của nhiều doanh nghiệp và địa phương tại Hội nghị cũng cho thấy, nhiều mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước cũng như cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới.
Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động, tổng doanh thu nội địa của Tập đoàn có những chuyển biến rõ nét. Dự kiến năm 2014, doanh thu nội địa ước 22.000 tỷ đồng tăng từ 10-15% so với năm 2013. Không những thế, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Tập đoàn năm 2014 có thể đạt 24,5 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với dự báo từ đầu năm.
Không những thế, tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ hàng Việt trong kênh bán lẻ hiện đại ngày càng gia tăng thị phần.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, sau 5 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đến nay người tiêu dùng Việt Nam đã đánh giá cao nhiều hàng hóa do doanh nghiệp trong nước tự sản xuất.
Thậm chí, theo bà Hồng, nhiều mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng… Trong hệ thống siêu thị hàng hóa sản xuất trong nước tại địa bàn thành phố vẫn chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90%.
Bên cạnh những kết quả nổi bật trên, tại Hội nghị lần này, nhiều ý kiến cho rằng, để tạo ra sự đột phá trong giai đoạn tiếp theo, cần đẩy mạnh việc đưa hàng Việt vào kênh bán lẻ truyền thống, nơi phân phối khoảng 80% lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng hiện nay bằng cách liên kết chặt chẽ hơn giữa các tiểu thương và doanh nghiệp sản xuất để đưa hàng Việt đến gần người tiêu dùng.
Quan trọng hơn, ngoài việc kịp thời nắm bắt mẫu mã trên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp trong nước cần linh động trong phương thức kinh doanh và đưa công nghệ vào để giảm giá thành qua đó nâng sức cạnh tranh của sản phẩm.
"Năng lực cạnh tranh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là yếu tố tiên quyết thực hiện thắng lợi cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong thời gian tới,” bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến.
Mục tiêu mà Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đặt ra, phấn đấu đến năm 2020 hàng Việt có thế mạnh sẽ chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và 100% các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương triển khai chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững...
Để đạt được mục tiêu này, theo ông Lê Bá Trình, Phó trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, bên cạnh công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, về phía doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh qua đó khẳng định vị thế vững chắc của hàng Việt Nam trên sân nhà cũng như đẩy mạnh xuất khẩu./.