(MPI Portal) – Theo thông cáo báo chí của Bộ phận thống kê ASEAN (ASEAN stats) ngày 16/10/2014 cho thấy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mức tăng trưởng khá với 22 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. EU, Hoa Kỳ và ASEAN tiếp tục là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2013. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ấn phẩm chuyên đề “Cộng đồng ASEAN qua những con số năm 2014” (ACIF 2014), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 132 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2012. So với các nước ASEAN, xuất khẩu của Việt Nam năm 2013 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tương đối ổn định và cao hơn nhiều so với mức tăng chung của khu vực ASEAN.
22 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD
Trong năm 2013 đã có 22 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Nhóm có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD gồm 3 mặt hàng, chiếm tỷ trọng 37,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đứng đầu là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch là 21,2 tỷ USD, tiếp theo là hàng dệt may 17,9 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện 10,6 tỷ USD. Nhóm có kim ngạch xuất khẩu từ 5 đến 10 tỷ USD chiếm tỷ trọng 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, bao gồm 5 mặt hàng và nhóm hàng là giày dép các loại; dầu thô; hàng thủy sản; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng; gỗ và sản phẩm từ gỗ. Nhóm có kim ngạch xuất khẩu từ 1 đến 5 tỷ USD bao gồm 14 mặt hàng, chiếm tỷ trọng 22,0% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Còn lại là các mặt hàng có kim ngạch dưới 1 tỷ USD, chiếm khoảng 14,6%.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2013 đạt mức tăng trưởng khá cao, trong đó điện thoại các loại và linh kiện tăng 67,1% so với năm 2012; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 35,3%; dệt may, giày dép vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định, lần lượt là 18,8% và 15,6%; hàng thủy sản tăng 10,2%. Riêng xuất khẩu cà phê giảm 26%; gạo giảm 20,4%; cao su giảm 12,8%.
Năm 2013, Việt Nam có trao đổi hàng hóa với gần 240 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó xuất khẩu sang 27 quốc gia đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 24,3 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 19,8% (tương đương 4 tỷ USD) so với năm 2012. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang EU là: điện thoại các loại và linh kiện; giày dép; hàng dệt may; máy vi tính và linh kiện. Hoa Kỳ đứng thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu đạt 23,8 tỷ USD, chiếm 18% và tăng 21,2% so với 2012. Đây cũng là thị trường đầu ra chính cho các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, giầy dép; gỗ và các sản phẩm gỗ. Xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2013 là 13,6 tỷ USD, chiếm 10,3% và tăng 4,3% so với năm 2012. Tuy nhiên, tốc độ tăng này khá khiêm tốn so với những năm trước đó (năm 2010 tăng 22%, năm 2011 tăng 43% và năm 2012 tăng 18%). Các nhóm hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là hàng dệt may, dầu thô. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn của Việt Nam với tổng kim ngạch đạt 13,2 tỷ USD, chiếm tới 10% tổng trị giá xuất khẩu và tăng 3,1%. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc là điện tử, máy tính và linh kiện 2,1 tỷ USD; cao su 1,1 tỷ USD; gỗ và các sản phẩm của gỗ 1 tỷ USD...
ASEAN - thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam
ASEAN là một trong các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là động lực giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu trong nhiều năm qua. Năm 2013, thương mại hai chiều ASEAN và Việt Nam đạt 39,7 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2012 và chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 về kim ngạch xuất nhập khẩu sang ASEAN, sau Xin-ga-po (206,7 tỷ USD); Ma-lai-xi-a (119,1 tỷ USD); Thái Lan (103,7 tỷ USD) và In-đô-nê-xi-a (94,7 tỷ USD). ASEAN luôn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trong những năm vừa qua. Xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực ASEAN năm 2000 mới đạt 2,6 tỷ USD thì năm 2005 đạt trên 5,7 tỷ USD, năm 2010 đạt 10,4 tỷ USD - tức là cứ sau 5 năm lại tăng gấp đôi - và năm 2013 đạt 18,4 tỷ USD.
Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN năm 2013 tăng so với năm 2012 là: điện thoại các loại và linh kiện tăng hơn 900 triệu USD; Hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng gần 400 triệu USD; sắt thép các loại tăng 130 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng tăng 80 triệu USD, hàng dệt may tăng 73 triệu USD. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang mất dần thị trường truyền thống này đối với một số loại hàng hoá như gạo (mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN) giảm 51,3%, cà phê giảm 51%; xăng dầu giảm 21%...
Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt tốc độ tăng trưởng 5,7% trong năm 2013 nhưng hiện nay kim ngạch xuất khẩu đang có xu hướng tăng chậm lại và thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng 27,6 % của năm 2012 và 31,7% của năm 2011. Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN năm 2013 chiếm 13,9% tổng kim ngạch xuất khẩu – so với các quốc gia khác trong khu vực (Mi-an-ma 49,2%, Lào 47,6%, Xin-ga-po 31,4%) thì con số này vẫn còn rất khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm lực của Việt Nam.
Trong số các đối tác tại thị trường ASEAN, Ma-lai-xi-a tiếp tục là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2013 với kim ngạch 4,9 tỷ USD, chiếm 26,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với cả khối ASEAN. Đứng thứ 2 là Thái Lan đạt 3,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 16,9%, Cam-pu-chia đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 15,9%; Xin-ga-po 2,7 tỷ USD, chiếm 14,4%./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư