|
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Dây sử dụng nguồn vốn của ADB. (Nguồn: TTXVN)
|
Đây là một trong những hoạt động thường niên của Ban Giám đốc Điều hành nhằm trao đổi thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của các nước thành viên đang phát triển trong khu vực cũng như tìm hiểu hiệu quả của các dự án, chương trình phát triển được ADB tài trợ.
Chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác ADB lần này tiếp sau 2 chuyến thăm của Chủ tịch ADB trong năm 2014 cho thấy quan hệ hợp tác Việt Nam-ADB ngày càng được củng cố và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Kể từ khi khôi phục lại hoạt động tại Việt Nam vào năm 1993, ADB đã hỗ trợ Việt Nam gần 13,1 tỷ USD (tính đến tháng 9/2014), bao gồm 12,7 tỷ USD cho vay 157 dự án/chương trình; 253,5 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật và 170 triệu USD viện trợ không hoàn lại. Chương trình cho vay hàng năm của ADB hiện vào khoảng 1,3 tỷ USD hỗ trợ cho giao thông, năng lượng, nông nghiệp và tài nguyên, cung cấp nước và các cơ sở hạ tầng, dịch vụ đô thị khác, giáo dục và tài chính.
Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã thông báo với Ban Giám đốc Điều hành ADB về tình hình phát triển của Việt Nam, việc phối hợp điều hành và quản lý hiệu quả nguồn vốn phát triển của ADB dành cho Việt Nam.
Ban Giám đốc Điều hành ADB đã đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô và những đóng góp quan trọng của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, kiềm chế lạm phát, ổn định dự trữ ngoại hối và từng bước củng cố hệ thống ngân hàng thương mại theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề trong quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng và giải quyết nợ xấu trong thời gian tới.
Sau buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đoàn công tác cũng có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và thăm một số dự án được ADB tài trợ tại các địa phương như: Quảng Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc với Bộ Tài chính, hai bên nhất trí cao về tiến độ thanh toán và các chương trình hỗ trợ của ADB cho Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020.
Lãnh đạo ADB cũng đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư về một số vấn đề ưu tiên trong thời gian tới và thảo luận các biện pháp, chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tăng cường đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng thông qua mô hình Đối tác Nhà nước-Tư nhân (PPP). Ban Giám đốc điều hành ADB tái khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Chính phủ trong việc hoàn thiện và triển khai có hiệu quả khung pháp lý cho PPP.
Tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn công tác ADB đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Thành phố trong việc chủ động ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của thành phố và các tuyến đường quan trọng kết nối với các địa phương khác trong Đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án này đã góp phần giải quyết ách tắc giao thông và tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho cả khu vực.
Trao đổi về các vấn đề tài trợ cho các dự án phát triển khác tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo ADB nhấn mạnh việc áp dụng rộng rãi hơn mô hình PPP.
Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của ADB vào năm 1966 và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan đại diện chính thức của Việt Nam tại tổ chức tài chính quốc tế này.
Từ đầu năm đến nay, trong danh mục ADB cam kết tài trợ năm 2014 gồm 11 dự án/chương trình vay với tổng số vốn tương đương gần 1,363 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì đàm phán với ADB được 7 chương trình/dự án trong số này với tổng trị giá khoảng 878 triệu USD. Các dự án/chương trình còn lại sẽ được hoàn tất đàm phán trong những tháng cuối năm./.