Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau Lý Văn Thuận cho biết với sự chủ trì của Hiệp hội, tỉnh Cà Mau đã triển khai chương trình phát triển tôm nguyên liệu sạch phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, theo đó hình thành liên kết giữa “hai nhà” là doanh nghiệp với nông dân.
|
Nhập tôm nguyên liệu phục vụ chế biến hàng thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
|
Theo thỏa thuận đã được ký kết, nhà nông (người nuôi tôm) có trách nhiệm cung cấp cho nhà máy tôm nguyên liệu sạch (tôm nguyên liệu sạch là tôm không bơm tạp chất), không bán tôm nguyên liệu ra ngoài tỉnh và cam kết không cùng một lúc ký kết với nhiều nhà máy. Nhà doanh nghiệp (nhà máy) cam kết với nhà nông sẽ mua hết tôm nguyên liệu đúng như cam kết; không ép giá, không nợ tiền mua tôm nguyên liệu. Hiệp hội sẽ đóng vai trò trung gian, bảo đảm cho hai nhà thực hiện đầy đủ cam kết.
Ông Lý Văn Thuận cho biết chương trình này nhằm hướng tới một thị trường tôm nguyên liệu sạch, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà máy với nhà nông.
Đến nay, 33/37 nhà máy đã triển khai xong chương trình liên kết với nông dân, bước đầu tạo được niềm tin và phấn khởi giữa hai nhà. Sau chương trình này chất lượng của tôm nguyên liệu được cải thiện. Đáng chú ý là không có tình trạng bơm tạp chất vào tôm.
Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích nuôi tôm cao nhất nước với 290.000ha và đoàn tàu khai thác biển mạnh. Nhờ nguồn tôm nguyên liệu dồi dào này mà sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu của tỉnh Cà Mau đã xuất sang trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế thế giới, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, thời gian qua do quản lý chưa hợp lý nên thị trường tôm nguyên liệu trong tỉnh bị “chảy” ra ngoài tỉnh, trong khi có một số nhà máy phải mua tôm nguyên liệu từ nơi khác về để chế biến nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều.
Với sự liên kết giữa hai nhà, với vai trò trung tâm của hiệp hội, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu sẽ có một thị trường tôm nguyên liệu sạch./.