Ban thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa công bố Báo cáo số liệu thống kê mới nhất về thành tựu kinh tế của khối năm 2013.
|
Triển lãm Quốc tế về ngành công nghiệp dệt lần thứ 12 tại Jakarta. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Theo đó, ASEAN đã đạt mức tăng trưởng thực tế Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 5,1%, với thương mại hàng hóa quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng lần lượt 1,4% và 7,1%.
Xét về GDP danh nghĩa, năm 2013 GDP của ASEAN đã tăng lên 2.400 tỷ USD từ mức 2.300 tỷ USD của năm 2012 và GDP bình quân đầu người tăng từ 3.761 USD lên 3.837 USD. Indonesia tiếp tục là nền kinh tế lớn nhất ASEAN với GDP đạt 863 tỷ USD, tiếp theo là Thái Lan với 388 tỷ USD, Malaysia 312 tỷ USD.
Xét về GDP bình quân đầu người, đứng đầu khối là Singapore với 55.183 USD, tiếp theo là Brunei với 39.677 USD và hai nền kinh tế này cũng có tỷ lệ lạm phát thấp nhất, ở các mức tương ứng 1,5% và 0,2%.
Về các chỉ số kinh tế vĩ mô khác, Báo cáo cho biết, năm 2013 thương mại hàng hóa quốc tế của ASEAN đã tăng lên 2.500 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 1.300 tỷ USD và nhập khẩu là 1.200 tỷ USD. Trao đổi thương mại giữa các nước thành viên ASEAN chiếm 24,2% tổng thương mại của khu vực.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm 12% xuất khẩu và 16% nhập khẩu của ASEAN. Các đối tác thương mại lớn khác của khối là Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Mỹ.
Máy móc và thiết bị điện là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của ASEAN với kim ngạch 277 tỷ USD, trong khi các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất của khối là dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ trị giá 274 tỷ USD.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đã tăng từ 114 tỷ USD năm 2012 lên 122 tỷ USD năm 2013, trong đó đầu tư nội khối tiếp tục duy trì đà gia tăng và chiếm 17% tổng giá trị FDI của ASEAN.
Trong giai đoạn 2011-2013, ASEAN nhận được FDI nhiều nhất từ EU và Nhật Bản, chiếm gần 40% tổng vốn FDI của ASEAN. Riêng trong năm 2013, FDI từ EU chiếm 22% tổng vốn FDI đổ vào ASEAN, tiếp theo là Nhật Bản (18,7%)./.