Lần đầu tiên Chính phủ ban hành một nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra với mục đích thúc đẩy sản xuất bền vững, nâng cao giá trị các sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên kể từ khi Nghị định 36/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/6/2014 đến nay, đã có nhiều ý kiến trái chiều của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cá tra cho rằng nhiều quy định chưa thật sự hợp lý.
|
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)
|
Giảm lợi nhuận từ “tranh mua tranh bán”
Quá trình kể từ khi con cá tra được thị trường nước ngoài đón nhận đến khi kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD/năm (năm 2013) đã chứng minh vai trò đóng góp của ngành cá tra vào phát triển kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, “đường đi” của con cá tra không phải lúc nào cũng thuận lợi. Kể từ sau giai đoạn làm ăn hưng thịnh nhất (2002- 2008), con cá tra rơi vào tình trạng tối tăm, người nuôi cá "treo ao," doanh nghiệp thì khốn đốn vì thua lỗ.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản Việt Nam, năm 2003 diện tích mặt nước nuôi cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 2.700ha. Đến năm 2010 diện tích tăng lên 6.300 ha. Từ đó, sản lượng cá tra cũng tăng lên hàng năm, trong khi thị trường nhập khẩu chững lại, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp xuất khẩu.
Điển hình, từ năm 2010, tiêu thụ cá tra ở thị trường châu Âu có xu hướng giảm mạnh. Đến năm 2012, giá trị xuất khẩu giảm 19% so với năm 2011, năm 2013 giảm 9% so với năm 2012.
Riêng 6 tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu giảm 9% so với cùng kỳ năm 2013. Tính đến tháng 5/2014, toàn Đồng bằng sông Cửu Long thả nuôi 2.954ha cá tra, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sụt giảm về giá trị kinh tế của sản phẩm cá tra như nguồn cung vượt cầu, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hiện tượng tranh mua tranh bán giữa các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, sự cạnh tranh của hội cá da trơn các nước nhập khẩu và Hiệp hội Cá nheo Mỹ.
Trong những nguyên nhân trên, hiện tượng tranh mua tranh bán đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho con cá tra hiện nay. Ông Châu Minh Đạt, Giám đốc Công ty Chế biến xuất khẩu thủy sản Hoàng Long, cho biết con cá tra đạt chất lượng thấp vẫn có thể vào những thị trường dễ tính, nhưng với những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu luôn đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng của mặt hàng nhập khẩu. Với những thị trường này, có ít doanh nghiệp đủ lực đầu tư.
Nghịch lý xảy ra ở chỗ, mặt hàng đạt tiêu chuẩn, vào được thị trường này gặp trở ngại ở người tiêu dùng, vì vậy sản phẩm của Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm của họ khi giá bán ngang nhau.
Để thoát ra cảnh khó khăn trong tiêu thụ tại thị trường nhập khẩu, những doanh nghiệp lớn sẵn sàng tách ra khỏi cuộc chơi, ngầm liên kết với nhà nhập khẩu hạ giá bán để cạnh tranh không lành mạnh. Khi sản phẩm bán ra với giá rẻ, doanh nghiệp quay trở lại hạ giá thu mua cá tra nguyên liệu trong nước để lấy kinh phí trang trải cho vô số những khoản khác. Do đó, người phải chịu thiệt thòi cuối cùng là nông dân, hoặc nuôi cầm chừng, hoặc “treo ao” và những doanh nghiệp khác hoặc phá sản, hoặc phải tìm thị trường khác.
Còn manh mún, thiếu liên kết
Vào thời điểm con cá mang lại lợi ích kinh tế cao nhất, người dân ồ ạt tự đào ao thả cá, diện tích tăng đột biến, nằm ngoài quy hoạch. Mặt khác, khi nông dân tự ý sản xuất lại không nắm chắc đầu ra của sản phẩm, không liên kết với bất kì doanh nghiệp nào để đảm bảo an toàn cho cá tra nguyên liệu.
Bà Quách Thị Lệ (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho biết, gia đình bà có truyền thống nuôi cá tra hơn 30 năm, với diện tích khoảng 5ha. Lúc đầu gia đình chỉ nuôi 2 ha để cung cấp cho các doanh nghiệp và thị trường trong nước. Đến năm 2005 gia đình bà phát triển diện tích nuôi lên 5ha. Vào thời điểm này, số cá thu hoạch không đủ bán. Khi mua hàng, doanh nghiệp thường trả tiền ngay khi bắt cá. Gia đình bà cũng không ký hợp đồng liên kết với bất kì công ty nào.
Tuy nhiên, sau năm 2008, việc nuôi cá tra gặp khó khăn vì không còn nhiều doanh nghiệp đến mua hàng, gia đình phải tự tìm mối hàng để bán. Lúc đầu bà còn ký hợp đồng giao tiền sau khi bắt cá 1 tháng, trong đợt thu hoạch sau ký tiếp hợp đồng, giao tiền sau 3 tháng bắt cá. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, doanh nghiệp chỉ hứa trả tiền nhưng cả năm vẫn không thấy hoàn trả cho gia đình quay vòng vốn.
Khi một vụ thất thu là kéo theo 2 năm không có vốn quay vòng, gia đình bà phải vay vốn ngân hàng để tái sản xuất, nhưng rồi cá bán ra với giá thấp hơn giá thành, doanh nghiệp không trả tiền ngay khi bắt cá, gia đình phải gánh nợ ngân hàng.
Ông Võ Văn Nhựt (xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cũng cho biết, gia đình ông chỉ thả nuôi cá tra 6.000m2 mặt nước. Vào thời điểm 2006-2008, con cá có giá, đến vụ thu hoạch bán cá là có doanh nghiệp đến thu mua. Thời điểm đó gia đình không biết thế nào là liên kết, chỉ tự bán cá khi có người trả giá cao, có lãi.
Thế nhưng càng về sau, đến vụ thu hoạch là ông Nhựt lại lo lắng, bởi không có doanh nghiệp nào đến hỏi mua và cũng lo sợ người đến hỏi mua sẽ trả giá thấp hơn giá thành, chỉ có lỗ vốn chứ không thể lãi. Hơn nữa, đến bây giờ ông Nhựt muốn liên kết với doanh nghiệp cũng không đạt yêu cầu, vì diện tích ao nuôi quá nhỏ./.