Để cụ thể hoá Chương trình tín dụng khai thác hải sản xa bờ, ngày 3/6 tại thành phố Quy Nhơn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức ký kết hợp tác hỗ trợ đóng mới 27 tàu đánh bắt hải sản công suất lớn cho tỉnh Bình Định trong giai đoạn (2014 - 2017), với tổng số vốn 150 tỷ đồng.
|
Đóng tàu công suất lớn phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
|
Trong đó, chương trình hỗ trợ Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định đóng mới 13 tàu; các hộ ngư dân trên địa bàn tỉnh đóng mới 13 tàu; và một tàu vỏ sắt công suất 1.000 CV do Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao lại cho Tỉnh đoàn Bình Định tiếp nhận và quản lý khai thác (sau khi tàu hoàn thành đóng mới).
Khi ngư dân chuyển từ đánh bắt tàu gỗ với công suất nhỏ sang tàu vỏ sắt/vật liệu mới có công suất lớn, tỉnh Bình Định tổ chức tốt công tác đào tạo, huấn luyện vận hành, khai thác và tổ chức sản xuất trên biển.
Vốn vay được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay và tỷ lệ cho vay cao đến 90% đối với tàu vỏ sắt/vật liệu mới (lãi suất 3%/năm) và đồng thời cho vay vốn lưu động với lãi suất 5%/năm.
Việc ký kết tài trợ đóng mới, thuê mua và thuê hoạt động đánh bắt xa bờ tàu có công suất lớn đối với ngư dân và các đơn vị thuê mua, cho thuê khai thác của tỉnh Bình Định trong giai đoạn (2014 - 2017) nhằm phát triển, bổ sung thêm khoảng 100.000 CV công suất cho tàu đánh bắt xa bờ, trong đó chủ yếu là tàu vỏ sắt có công suất lớn từ 1.000 CV trở lên và hình thành đội tàu trên 100 chiếc.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV, cho biết đây là chương trình hỗ trợ tín dụng cho ngư dân một cách đồng bộ, nhanh và kịp thời nhất. Chỉ trong vòng bốn ngày khi nhận được hồ sơ đầy đủ khách hàng có thể nhận được tiền đóng tàu, mua sắm trang thiết bị cho tàu.
Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thuỷ sản và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.
Việc hỗ trợ tín dụng lần này còn có ý nghĩa giúp ngư dân có tàu công suất lớn, vững chắc và ra khơi bám biển dài ngày, để ngư dân coi mỗi con tàu như "một cột mốc trên biển” trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.