Theo Bộ Công Thương, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu của tháng Năm sụt giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2013, thặng dư thương mại cũng đạt con số 1,65 tỷ USD.
|
Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn giữ nhịp tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm 2014.(Ảnh: TTXVN)
|
5 tháng cả nước vẫn xuất siêu
Tại buổi họp giao ban trực tuyến công tác tháng Năm do Bộ Công Thương tổ chức sáng 2/6, ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, tháng Năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12 tỷ USD, giảm 8,2%. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 7,45 tỷ USD, giảm 9,8% so với tháng trước.
Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 58,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương mức tăng 7,8 tỷ USD), trong đó doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 19,05 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể cả dầu thô) ước đạt 36,39 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Đi sâu vào chi tiết, theo ông Thắng, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 17,6% so với cùng kỳ, trong khi đó nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng 12,7%.
Cụ thể, qua 5 tháng, xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản đã đem về 8,92 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương mức tăng 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoài) trong đó tăng mạnh nhất là: thuỷ sản tăng 28,1%; rau quả tăng 28,4%; nhân điều tăng 11,3%; cà phê tăng 31,3%; hạt tiêu tăng 47,7%.
Bên cạnh đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng đạt 42,4 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng gần 6,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái). Đóng góp nhiều nhất vẫn là mặt hàng Điện thoại các loại và linh kiện đạt 10,57 tỷ USD, tăng 30,6%; Giầy dép các loại đạt 3,75 tỷ USD, tăng 17,8%; Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,4 tỷ USD, tăng 11% ...
Trong khi đó, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản 5 tháng ước đạt 4 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương với giảm 145 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
"Tỷ trọng của các nhóm hàng đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, tăng dần nhóm hàng công nghiệp chế biến và nông lâm thủy sản", ông Thắng nói.
Đáng chú ý, đến thời điểm này đã có 12 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, gồm điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dầu thô; thủy sản; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; cà phê; gạo; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù. Kim ngạch 12 mặt hàng này đạt gần 43,23 tỷ USD, chiếm 73,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Về thị trường, thống kê của Vụ kế hoạch cho thấy, thị trường Mỹ tăng 22,6%; EU tăng 14,0%; Nhật Bản tăng 12,6% và Trung Quốc tăng 23,7%.
Ở chiều ngược lại, theo ông Huỳnh Đắc Thắng, nhập khẩu tháng Năm ước đạt 12,4 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng Tư. Tính chung 5 tháng, cả nước nhập khẩu gần 56,9 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu gần 32,6 tỷ USD, tăng 11,4%, còn các doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập khẩu gần 24,3 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Nhóm hàng cần nhập khẩu trong 5 tháng ước đạt 50,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng là nguyên liệu cho sản xuất như máy móc, thiết bị. Ngoài ra, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu ước đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ.
Như vậy, tháng Năm cả nước nhập siêu ước 400 triệu USD, bằng 3,3% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng, cả nước vẫn xuất siêu 1,65 triệu USD, bằng 2,8% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 5,3 tỷ USD thì khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 6,9 tỷ USD.
Không bỏ trứng vào một giỏ
Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu qua 5 tháng đầu năm 2014, lãnh đạo Cục xuất nhập khẩu cho biết, không chỉ khu vực có vốn đầu tư nước (FDI) mà cả khối doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước đều đạt được mức tăng trưởng tốt. Đơn cử, 5 tháng đầu năm nay, khu vực kinh tế trong nước đã tăng trưởng ở mức 11,9% (cao hơn rất nhiều so với mức 3%của năm 2013) còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,6%.
Đáng lưu ý, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt. Ước tính, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 6,1 tỷ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và Việt Nam nhập khẩu trị giá khoảng 16,1 tỷ USD từ Trung Quốc, chiếm 28,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị ... phục vụ cho đầu tư xây dựng và cho sản xuất, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là mặt hàng nông, lâm sản, nguyên liệu thô.
Như vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức nhập siêu 5 tháng ước tính khoảng 9,9 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, để việc nhập khẩu không quá phụ thuộc vào một thị trường, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải, giải pháp mà Bộ này đưa ra là thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và chủ động đầu tư nguyên phụ liệu.
Cụ thể hơn, theo thứ trưởng Hải, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh giao thương với những bạn hàng truyền thống như các quốc gia khu vực ASEAN, EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ … Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các khu vực thị trường mới như châu Phi, Trung Đông.
Bên cạnh đó, nhà nước còn khuyến khích các doanh nghiệp tăng sản xuất trong nước như nguyên phụ liệu dệt may và bằng nhiều chính sách nhà nước sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tự sản xuất phục vụ cho nhu cầu trong nước.
Cho đến thời điểm này, để đảm bảo nguyên phụ liệu phục vụ xuất khẩu, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã chuẩn bị đầu tư nhiều dự án sản xuất nguyên phụ liệu.
Đơn cử như trong năm 2014, Vinatex sẽ triển khai 15 dự án sợi, 8 dự án dệt, 24 dự án may, 2 dự án bông trang trại … Sau khi các dự án hoàn thành, năng lực nguyên, phụ liệu tăng thêm của Vinatex sẽ vào khoảng 7.000 tấn sợi, 4.000 tấn vải dệt kim, trên 20 triệu mét vải dệt thoi … đưa tỷ lệ nội địa hóa hàng dệt may lên khoảng 55% vào năm 2015.
Tương tự, đối với ngành da giày, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ, gia tăng sử dụng nguyện phụ liệu trong nước. Dự kiến, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp da giày sẽ đạt 65% trong năm 2015.
Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản, ngay trong tuần này, Bộ Công Thương sẽ có cuộc họp bàn nhằm đưa ra các giải pháp giúp các doanh nghiệp trong ngành này đa dạng hóa thị trường cũng như tránh được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa do quá lệ thuộc vào một thị trường.
Theo chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 145,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước. Năm tháng đầu năm đã đạt 58,51 tỷ USD, chỉ còn cách đích 86,8 tỷ USD. Như vậy bình quân mỗi tháng tiếp theo phải đạt bình quân 12,4 tỷ USD.
"Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay thì khả năng cả năm sẽ hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 10% mà Quốc hội đã giao cho ngành công thương", ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương nói./.