Hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại các tỉnh phía Nam tiếp tục thể hiện sự tin tưởng vào môi trường đầu tư cũng như khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam.
|
Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (Bình Dương).
(Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
|
Đây là tín hiệu tích cực tại hội nghị gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại khu vực phía Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 30/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, đại diện của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết, khắc phục những hậu quả của sự việc đáng tiếc xảy ra ngày 13-14/5 vừa qua.
Đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đều đánh giá cao những giải pháp mà Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an ninh cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có niềm tin đối với môi trường đầu tư Việt Nam.
Bà Liu Mei Teh, Tổng hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam, cho rằng các bên cần có sự trao đổi hơn để giải quyết. Chính phủ đã có văn bản, địa phương cần có những hướng dẫn cụ thể để triển khai các vấn đề đó.
Theo bà Liu Mei Teh, việc trao đổi giữa hai bên là rất quan trọng, giúp doanh nghiệp bị thiệt hại cảm nhận được sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam nói chung và chính quyền các địa phương nói riêng đến doanh nghiệp.
Đề cập đến những giải pháp cho lĩnh vực du lịch sau những sự cố vừa qua, bà Nicola Connolly, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng, để tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp cũng như ngành du lịch trong thời gian tới, Việt Nam cần xem xét việc có những thủ tục cấp visa nhanh chóng, thuận tiện để thu hút khách du lịch, trong đó có các nhà đầu tư để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ổn định.
Mặt khác, cần cấp visa thuận lợi cho các chuyên gia, kỹ sư đến các doanh nghiệp bị thiệt hại để giúp các doanh nghiệp này hoạt động trở lại bình trường. Ngoài ra, Việt Nam cũng nên xem xét cấp phép lao động có thời hạn 12 tháng hoặc dài hơn để các chuyên gia vào Việt Nam.
Đại diện các cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng đưa ra những đề xuất cụ thể, nhằm góp phần giúp cho hoạt động sản xuất nhanh chóng vận hành tốt hơn.
Tại hội nghị, những vấn đề lo ngại của các doanh nghiệp nước ngoài đã được các bộ ngành và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai giải đáp, qua đó góp phần củng cố thêm niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất và khẳng định "Việt Nam luôn là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư".
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết, sau sự cố đáng tiếc xảy ra vào các ngày 13 và 14/5, Chính phủ cùng với các bộ, ngành và các địa phương đã nhanh chóng có những chỉ đạo, đề ra các giải pháp kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng trở lại hoạt động bình thường.
Chính phủ Việt Nam đã chứng minh được khả năng làm chủ tình hình và đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để triển khai hiệu quả các giải pháp trên, các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp cần có sự phối hợp tốt hơn, đồng thời kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh mới để tiếp tục có những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ để có những giải pháp giải quyết kịp thời cho doanh nghiệp.
Đại tá Hà Văn Mười, Phó Cục trưởng Cục An ninh Tài chính, tiền tệ, đầu tư (Bộ Công an) cho biết hiện các đơn vị trong ngành công an đang khẩn trương điều tra các đối tượng kích động để sớm xử lý kịp thời. Thời gian tới, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các tỉnh thành có kế hoạch phòng ngừa, xử lý kịp thời, đảm bảo an ninh cho các doanh nghiệp.
Theo Đại tá Hà Văn Mười, các doanh nghiệp có thể tiến hành lập các phòng, ban bảo vệ để bảo vệ tài sản của mình. Lực lượng công an sẵn sàng hỗ trợ huấn luyện, tuyên tuyền và phối hợp với với lực lượng này trong trong tác bảo đảm an ninh trật tự tại doanh nghiệp.
Giải đáp các thắc mắc về vấn đề lao động, tiền lương cho doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng, ông Lê Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ tiền lương lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ đã có kiến nghị các giải pháp để giải quyết về vấn đề tiền lương, lao động.
Việt Nam đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp cũng như sẵn sàng tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc.
Về tiền lương, các cơ quan chức năng Việt Nam đã có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như khấu từ tiền trả lương vào thuế thu nhập doanh nghiệp và đang xem xét trích ứng tiền ngân sách địa phương cho doanh nghiệp vay để trả cho công nhân...
Ở cấp độ các địa phương, đại diện các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cam kết mạnh mẽ đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như sát cánh cùng với doanh nghiệp để khắc phục khó khăn.
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, Bình Dương cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Với những việc làm cụ thể của mình, tỉnh Bình Dương đang nỗ lực lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, khẳng định "Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn".
Ông Trần Văn Nam, cho biết, tuy ảnh hưởng của sự cố đáng tiếc vừa qua nhưng vào ngày 4/6 tới, tỉnh Bình Dương tiếp tục trao thêm 50 giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn 195 triệu USD.
Điều này khẳng định Bình Dương có môi trường đầu tư tốt, bền vững trong thời gian tới./.