Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/05/2014-17:03:00 PM
Báo cáo tình hình sản xuất nông lâm nghệp và thủy sản tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2014
Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26 tháng 5 năm 2014
1. Nông nghiệp
Trồng trọt
Tháng Năm, sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu vào chăm sóc lúa Đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ Đông xuân và xuống giống lúa Hè thu tại các địa phương phía Nam.
Tính đến ngày 15/5/2014, các địa phương phía Bắc đã kết thúc gieo trồng lúa Đông xuân, diện tích ước tính đạt 1160 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước. Vụ Đông xuân năm nay do đầu vụ rét kéo dài, nắng ít nên lúa trỗ bông tập trung muộn hơn trung bình nhiều năm khoảng 10-20 ngày, đến nay lúa chính vụ đang làm đòng, một số diện tích lúa sớm đã trỗ bông. Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh hại phát sinh và gây hại, đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng đang có xu hướng gia tăng cả về mật độ và diện tích. Nếu từ nay đến cuối vụ không có những ảnh hưởng bất thường thì năng suất lúa Đông xuân của các địa phương phía Bắc ước tính vẫn đạt khá, tăng nhẹ so với vụ đông xuân 2013, trong đó năng suất lúa vùng Đồng bằng sông Hồng đạt xấp xỉ cùng kỳ; sản lượng lúa toàn miền đạt trên 7,2 triệu tấn, bằng 101% so cùng kỳ.
Các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1933,8 nghìn ha lúa Đông xuân, đạt 99% diện tích và bằng 99,1% cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong, sản lượng toàn vùng ước tính đạt 11,2 triệu tấn, tăng 546 nghìn tấn (+5,1 %) so vụ Đông xuân 2013. Sản lượng lúa tăng vì năm nay năng suất lúa cao kỷ lục, đạt 71,6 tạ/ha, tăng 3,6 tạ/ha (+5,2%) so với năm 2013. Các tỉnh có năng suất lúa cao là An Giang 77,4 tạ/ha, Hậu Giang 75,2 tạ/ha, Cần Thơ 73,4 tạ/ha, Kiên Giang 72,2 tạ/ha. Nguyên nhân trúng vụ lúa Đông xuân là năm nay do bố trí lịch thời vụ chậm lại so với năm 2013 nên sản xuất lúa gặp điều kiện thời tiết vô cùng thuận lợi, sâu bệnh gây hại ít, không bị lũ lụt, phù xa bồi đầu vụ, cuối vụ ít bị hạn hán và không bị xâm nhập mặn nhiều như mọi năm. Bên cạnh đó là kết quả đem lại của việc áp dụng mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với việc thu hoạch lúa Đông xuân, các địa phương phía Nam đã gieo sạ được 1257,3 nghìn ha lúa hè thu, bằng 93,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1152,6 nghìn ha, bằng 93,3%. Hiện nay lúa Hè thu đang vào gia đoạn sinh trưởng mạnh, tuy nhiên với diễn biến thời tiết khó lường ngành nông nghiệp chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, tích cực thăm đồng, nắm chắc diễn biến tình hình sâu bệnh, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc lúa đúng kỹ thuật theo hướng an toàn và bền vững, ứng dụng chế phẩm sinh học và sử dụng phân bón. Hiện nay ước tính có hơn 79 nghìn ha bị nhiễm sâu bệnh, trong đó chủ yếu là rầy nâu, đạo ôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Để hỗ trợ cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng màu tại Vùng Đồng Bằng sông Cửu Long (Quyết định 580/QĐ-TTg ngày 22/4/2014), theo đó Nhà nước sẽ hỗ trợ giống trên diện tích chuyển đổi nhưng không quá 2 triệu đồng/ha.
Về chống hạn, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định hỗ trợ kinh phí chống hạn đợt I, theo đó hỗ trợ 562,1 tỷ đồng cho 32 tỉnh để khắc phục hạn hán vụ Đông Xuân năm 2013-2014 (Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 19/5/2014).
Ngoài việc tập trung chăm sóc, thu hoạch lúa đông xuân và gieo cấy lúa hè thu, các địa phương trên cả nước còn đẩy mạnh gieo trồng các loại cây hoa màu. Tính đến trung tuần tháng Năm, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt 688,6 nghìn ha, bằng 106,6% cùng kỳ năm trước; khoai lang 91,9 nghìn ha, bằng 99,5%; lạc 159,6 nghìn ha, bằng 99,5%; đậu tương 65,1 nghìn ha, bằng 100,6%; rau đậu các loại 568,3 nghìn ha, bằng 104,3%.
Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò: Theo kết quả điều tra sơ bộ tại thời điểm 1/4/2014 cả nước có 2,58 triệu con trâu, bằng 99,37%; 5,18 triệu con bò, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2013. Nhìn chung số lượng trâu bò giảm chủ yếu do hiệu quả chăn nuôi thấp và diện tích chăn thả bị thu hẹp; riêng đàn bò sữa tiếp tục tăng, đạt 200,4 nghìn con, tăng 26 nghìn con (+14%) so cùng kỳ.
Chăn nuôi lợn: Theo kết quả điều tra sơ bộ tại thời điểm 1/4/2014 cả nước có 26,39 triệu con lợn, bằng 100,3% so với cùng kỳ năm 2013. Hiện tại chăn nuôi lợn đang gặp khá nhiều thuận lợi do giá lợn hơi tăng và dịch lợn tai xanh không xảy ra nên đã kích thích người chăn nuôi đầu tư tái đàn. Tuy vậy, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt trong thời gian này vì rất dễ gặp rủi ro do giá cả không ổn định, thời tiết thay đổi thất thường nên dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào trong khi giá con giống và giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức cao.
Chăn nuôi gia cầm: Theo kết quả điều tra sơ bộ tại thời điểm 1/4/2014 tổng số gia cầm của cả nước có 314,4 triệu con, tương đương cùng kỳ năm 2013 (những tháng đầu năm 2013 chăn nuôi gia cầm cũng gặp khó khăn do dịch bệnh và giá thành thấp). Mặc dù đến nay dịch cúm gia cầm đã được khống chế tuy nhiên công tác khôi phục đàn gia cầm sau dịch vẫn còn nhiều khó khăn do thời tiết nắng nóng, thay đổi thất thường làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của đàn gia cầm cũng như là nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh.
Tình hình dịch bệnh
- Dịch cúm gia cầm: Tính đến ngày 21/5/2014 cả nước không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
- Dịch lợn tai xanh: Tính đến ngày 21/5/2014 cả nước không còn tỉnh nào có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày.
- Dịch lở mồm long móng: Tính đến ngày 21/5/2014 cả nước còn tỉnh Yên Bái và Kon Tum có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.
2. Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng tập trung tháng Năm ước tính đạt 25,5 nghìn ha, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2013; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 12,5 triệu cây (-6%); sản lượng gỗ khai thác đạt 482,5 nghìn m3 (+15,7%). Do điều kiện thời tiết trong kỳ nắng nóng, khô hạn tại nhiều vùng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng và sự phát triển của cây trồng, nhưng lại thuận lợi cho việc khai thác lâm sản. Một số tỉnh có sản lượng gỗ khai thác cao như: Quảng Bình đạt 45 nghìn m3 (+186,4%), Thanh Hoá đạt 30 nghìn m3 (+161,7%), Quảng Ngãi đạt 58 nghìn m3 (+ 71,4%), Bình Định 13 nghìn m3 (+19%)...; sản lượng củi khai thác đạt 2,8 triệu ste, tăng 3,7%.
Tính chung Năm tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 44,5 nghìn ha, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng trồng mới chủ yếu ở các tỉnh Trung du miền núi phía bắc và Bắc Trung bộ, các tỉnh phía nam hầu như chưa thực hiện trồng rừng năm 2014; số cây lâm nghiệp trồng phân tán là 94,2 triệu cây (-0,7%); sản lượng gỗ khai thác đạt 2118 nghìn m3 (+8%); sản lượng củi khai thác đạt 13,3 triệu ste (+3,1%).
Tình hình thiệt hại rừng: Do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nắng, nóng ở nhiệt độ cao liên tục nên nhiều địa phương có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, đặc biệt các tỉnh Trung bộ và miền núi phía Bắc. Vào cuối tháng 4 tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái xảy ra vụ cháy khá nghiêm trọng với diện tích rừng thiệt hại được xác định là 585,7 ha (toàn bộ là rừng phòng hộ). Như vậy tính tổng diện tích rừng bị thiệt hại năm tháng đầu năm là 1556 ha, tăng 131% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1314 ha (+150%); diện tích rừng bị chặt, phá là 242 ha (+63%).
3. Thủy sản
Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng Năm ước đạt 554 nghìn tấn, tăng 4,1%; trong đó cá 412,5 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm 68,1 nghìn tấn, tăng 25,9%.
Nuôi trồng thuỷ sản
Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng ước đạt 309,4 nghìn tấn, tăng 4,1% so cùng kỳ; trong đó cá 237,5 nghìn tấn, giảm 1%; tôm 51,3 nghìn tấn, tăng 35%.
Trong tháng, giá cá tra có tăng nhẹ song không ổn định, sản lượng cá tra thu hoạch tiếp tục giảm. Theo báo cáo ước tính của các địa phương, trong tháng sản lượng thu hoạch cá tra đạt 103 nghìn tấn, giảm 7% so với cùng kỳ. Một số tỉnh có sản lượng thu hoạch giảm là: Bến Tre 22,5 nghìn tấn (-14,6%); Vĩnh Long 7,7 nghìn tấn (-11,6%); An Giang 21 nghìn tấn (-7%); Cần Thơ 13,5 nghìn tấn (- 7%)... Nguyên nhân sản lượng giảm trong tháng do bị thua lỗ kéo dài trong thời gian trước đó nên người nuôi chưa dám mạnh dạn đầu tư khôi phục sản xuất.
Nuôi tôm đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, sản lượng đạt khá, trong đó tôm thẻ chân trắng tăng mạnh: Sóc Trăng 5,7 nghìn tấn (+653%); Trà Vinh 3,2 nghìn tấn (+578%); Bạc Liêu hơn 2 nghìn tấn (+190,8%); Long An 1,4 nghìn tấn (+50,1%)... Do lợi nhuận cao nên nhiều địa phương mở rộng diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng: Sóc Trăng gần 5 nghìn ha (+886%) so cùng kỳ; Long An 3,1 nghìn ha (+20,9%); Bến Tre 1,3 nghìn ha (+69%)... Tuy nhiên, người nuôi tôm đang gặp khó khăn do thời tiết thay đổi, chất lượng con giống và chất lượng nước không đảm bảo dẫn đến tôm bị sốc môi trường nước, bị bệnh đốm trắng, bệnh đường ruột, hội chứng hoại tử gan tụy. Một số tỉnh có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại khá lớn như: Long An 785,8 ha (tôm sú 772,4 ha, tôm thẻ 13,4 ha); Bến Tre 135,3 ha (tôm sú 9,7 ha, tôm thẻ 125,6 ha); Trà Vinh 803,4 ha (tôm sú 538,9 ha, tôm thẻ 264,5 ha)... sản lượng tôm trên những diện tích bị mắc bệnh giảm khoảng trên 60%.
Khai thác thuỷ sản
Sản lượng khai thác tháng Năm ước đạt 244,6 nghìn tấn, tăng 4,2%; khai thác biển ước đạt 229,6 nghìn tấn, tăng 4,5% so cùng kỳ; trong đó cá đạt 163,5 nghìn tấn, tăng 4,3%; tôm đạt 15,5 nghìn tấn, tăng 4,7%. Trong tháng thời tiết khá thuận lợi, đang là thời điểm giao mùa giữa mùa vụ cá Bắc và mùa vụ cá Nam nên các đội tàu đánh bắt xa bờ tích cực ra khơi và đạt sản lượng khá. Ngành khai thác hiện đang bị ảnh hưởng lớn do tàu ngư chính của Trung Quốc luôn tấn công các tàu đánh cá của ngư dân đặc biệt tại các ngư trường như Hoàng Sa, Trường Sa, các tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu kiểm ngư Trung Quốc tấn công lấy ngư cụ, sản phẩm đánh bắt trên tàu và đập phá tàu của ngư dân. Hành động này tác động lớn đến tâm lý của ngư dân khi ra đánh bắt tại các ngư trường này. Các hành động gây hấn càng gia tăng sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa Việt Nam.
Tính chung 5 tháng đầu năm: Sản lượng thủy sản ước đạt 2162,4 nghìn tấn, tăng 3,3%, trong đó nuôi trồng 997,9 nghìn tấn, tăng 1,4%; khai thác 1164,5 nghìn tấn, tăng 5,1% so cùng kỳ.
Sản lượng cá ngừ đại dương trong 5 tháng đầu năm khai thác ước đạt hơn 8 nghìn tấn, giảm 10% so với cùng kỳ. Trong đó, Phú Yên khai thác được 2,7 nghìn tấn giảm 30%; Bình Định 4 nghìn tấn (+4,9%); Khánh Hòa 1,3 nghìn tấn (+0,6%). Giá cá ngừ đại dương hiện nay dao động ở mức 75-80 nghìn đồng/kg, giảm 11,8% (-10 nghìn đồng/kg) so với tháng trước.
Tiến độ gieo trồng cây nông nghiệp đến ngày 15 tháng 05 năm 2014
Đơn vị tính: Nghìn ha
Thực hiện cùng kỳ năm trước
Thực hiện kỳ này
Thực hiện kỳ này so với cùng kỳ năm trước (%)
1. Gieo cấy lúa đông xuân
3105,6
3115,3
100,3
Miền Bắc
1157,9
1161,0
100,3
Miền Nam
1947,7
1954,3
100,3
Trong đó : ĐB Sông Cửu Long
1564,4
1562,8
99,9
2. Thu hoạch lúa Đông xuân MN
1950,7
1933,8
99,1
Trong đó : ĐB Sông Cửu Long
1564,4
1562,8
99,9
3. Gieo cấy lúa Hè thu ở MN
1347,2
1257,3
93,3
Trong đó : ĐB Sông Cửu Long
1236,0
1152,6
93,3
4. Gieo trồng màu, lương thực
Trong đó : - Ngô
646,3
688,6
106,6
- Khoai lang
92,4
91,9
99,5
- Đậu tương
64,7
65,1
100,6
- Lạc
160,4
159,6
99,5
5. Gieo trồng rau, đậu các loại
544,7
568,3
104,3


Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2231
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)