Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không chỉ bổ sung nguồn vốn mà còn đưa công nghệ, phương thức quản lý mới góp phần chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhận định tại hội thảo tham vấn “Đề án tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2020”, được tổ chức ngày 19/5 tại Hà Nội.
Mục đích chính của Đề án nhằm thu hút nguồn vốn hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thay đổi phương thức sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ để tăng giá trị gia tăng sản phẩm; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp…
Các tham luận tại hội thảo tập trung phân tích những lĩnh vực cần đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp như trồng trọt, chế biến nông sản, xây dựng mối liên kết tiêu thụ nông dân kết hợp thu hút đầu tư nước ngoài với hợp tác công-tư… Một số ý kiến cho rằng để thu hút đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả, vấn đề quan trọng nhất là phải tạo đượccơ chế thông thoáng về chính sách thuế, thương mại, tiền tệ, đất đai, lao động cơ sở hạ tầng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định với các nhà đầu tư: “Chủ trương của Chính phủ Việt Nam mong muốn và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư của tư nhân nói chung trong đó có vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ Việt Nam đã có thêm nhiều ưu đãi với dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 4 năm nay, cả nước có khoảng 16.300 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép. Vốn đăng ký đầu tư 4 tháng đầu năm đạt 4,8 tỷ USD, bằng 52,2% so với với cùng kỳ năm ngoái. Riêng về lĩnh vực thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp có 520 dự án, với số vốn 3,3 tỷ USD. Phần lớn các dự án đầu tư nước ngoài tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ thời gian qua đã xảy ra sự cố đáng tiếc do một số đối tượng quá khích lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc hạ, đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã gâyra một số khó khăn ở một số khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, Hà Tĩnh.
Ngay sau sự việc này, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành chức năng có các biện pháp quyết liệt ngăn chặn những kẻ quá khích. Những ngày gần đây, các doanh nghiệp đã hoạt động bình thường trở lại.
Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam đã và đang phối hợp để hỗ trợ tích cực nhất nhằm giúp cácnhà đầu tư yên tâm, phát triển sản xuất. Việt Nam cam kết tạo môi trường và các điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thành công của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng chính là thành công của Việt Nam./.
Đỗ Hương
Cổng thông tin điện tử Chính phủ