Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/06/2014-09:46:00 AM
Phát triển nghề cá xa bờ theo hướng hiện đại, bảo vệ chủ quyền
“Đưa nghề cá nhân dân thành nghề cá hiện đại, thể hiện nhân dân là người làm chủ, phát huy ưu điểm nghề cá nhân dân đồng thời đẩy mạnh đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất. Cùng với đó, phát triển mạnh nghề đánh bắt xa bờ theo hướng hiện đại, tổ chức theo đội hình và giải pháp đồng bộ, khai thác gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Sơ chế cá ngừ xuất khẩu tại thànhphố Tuy Hòa.(Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Đó là một trong những nội dung chính được Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng đề cập trong buổi làm việc với Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chiều nay (10/6), tại Hà Nội.

Theo Chủ tịch Nguyễn Việt Thắng, đặc thù nghề cá Việt Nam là nghề cá nhân dân, đã tồn tại từ lâu nhưng sự phát triển còn manh mún, chưa có sự tập trung. Hơn nữa, thời gian chính sách phát triển về nông nghiệp, nông dân, nông thôn áp dụng vào thủy sản có nhiều vấn đề chưa được rõ ràng, sâu sát, nhất là ở lĩnh vực phát triển vùng bãi ngang ven biển, biển đảo. Do vậy khi quán triệt vào phát triển lĩnh vực thủy sản cần có tư duy đặc thù gắn với ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường.

“Trong khi đó, vốn tín dụng cho sản xuất nhiều bất cập, mặc dù nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển thủy sản và đã đầu tư trong nhiều năm nay, tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư hàng năm cho khai thác trên biển chưa thỏa đáng, để nhân dân tự lo liệu thì không đủ sức, do vậy nghề cá nhân dân không phát triển được và phát triển chậm (vẫn ra khơi bằng tàu gỗ, đánh bắt xa bờ ít, công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa đảm bảo …),” ông Nguyễn Việt Thắng nêu rõ.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Võ Văn Trác cho rằng, về khai thác và dịch vụ khai thác hải sản, các đơn vị cần tiếp tục tổ chức lại nghề cá gần bờ theo hướng chuyển đổi nghề nghiệp hợp lý, nâng cao năng suất sản lượng khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi và tổ chức quản lý cộng đồng nghề cá ven bờ.

Mặt khác, các địa phương cần đầu tư vốn cho sản xuất, bao gồm cả nuôi trồng nội địa và khai thác trên biển như: đóng tàu, thuyền công suất lớn, đánh bắt xa bờ, trang thiết bị thông tin liên lạc, ngư lưới cụ, công nghệ bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch ...; cần cho ngư dân vay vốn dài hạn, phù hợp với chu kỳ sản xuất.

"Theo đó, gắn kết an ninh quốc phòng biển đảo với phòng chống thiên tai, địch họa và phát triển sản xuất khai thác xa bờ. Chủ trương đánh bắt xa bờ thể hiện ý chí khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Chủ động đầu tư kiên cố hóa đội tàu đánh bắt xa bờ và tăng năng suất khai thác.” Phó Chủ tịch Võ Văn Trác nói.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Hội cần phát huy thế mạnh mà Hội đã triển khai trong thời gian qua về đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng và hướng dẫn thực hiện các quy định tiêu chuẩn như GLOBALGAP, VietGap, Haccp, tham gia sâu về lĩnh vực chế biến tiêu thụ nội địa. Chủ động trong quan hệ hợp tác quốc tế để chuyển giao khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm cho nông ngư dân.

Trong thời gian tới, các đơn vị cần tập trung theo hướng hiện đại nhưng phải tiến hành một cách đồng bộ, từ nguồn lực đến các cơ sở trang thiết bị hậu cần. Chú trọng đầu tư công nghệ nhưng vẫn phải làm cho người dân có tàu nhỏ, tàu gỗ vẫn sản xuất ổn định và thoát nghèo.

Qua đó, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu 3 tháng một lần, Hội có báo cáo về những mặt được và khó khăn của ngư dân gửi lên cho Mặt trận Tổ Quốc và Chính phủ, qua đó, để có chế độ khen thưởng, hỗ trợ cho ngư dân có thành tích và kịp thời động viên tinh thần ngư dân sản xuất, vươn khơi ./.

Thanh Tâm
Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1031
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)