(MPI Portal) - Ngày 06/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 874/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục Dự án do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.
Danh mục Dự án “Tăng cường năng lực thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và vai trò của các chủ thể ngoài khu vực nhà nước nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Chính phủ Việt Nam ” do Thanh tra Chính phủ làm cơ quan chủ quản. Mục tiêu dài hạn của Dự án nhằm tăng cường năng lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác PCTN thông qua việc nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) và tăng cường vai trò của các chủ thể ngoài khu vực nhà nước trong công tác PCTN.
Dự án được thực hiện trong 4 năm với tổng kinh phí thực hiện là 1.562.426 USD bao gồm vốn ODA viện trợ không hoàn lại 1.478.000 USD (vốn đã được đảm bảo là 1.030.000 USD, vốn cần huy động thêm 448.000 USD) và vốn đối ứng 1,776 tỷ đồng (tương đương 84.426 USD). Trong đó, đối với vốn ODA cấp phát 100% từ ngân sách; Vốn đối ứng do Cơ quan chủ quản tự bố trí theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Kết quả của Dự án bao gồm: Báo cáo đánh giá quốc gia về thực thi Công ước UNCAC cho chu kỳ đánh giá thứ hai từ năm 2015 được xây dựng; Hệ thống pháp luật PCTN được sửa đổi theo hướng nâng cao mức độ tuân thủ Công ước; Cơ sở dữ liệu về chống tham nhũng được xây dựng và phục vụ theo dõi, đánh giá công tác PCTN; Báo cáo nhận định thực trạng tham nhũng và đánh giá kết quả công tác PCTN hàng năm được xây dựng; Diễn đàn đối thoại về PCTN giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế được hỗ trợ; Hoạt động nhân rộng một số sáng kiến PCTN có hiệu quả từ các chương trình “Sáng kiến PCTN Việt Nam” (VACI) 2009, VACI 2011, VACI 2013 liên quan đến hoạt động giám sát cộng đồng, vai trò của cơ quan báo chí, tuyên truyền và các tổ chức xã hội trong công tác PCTN được triển khai; Hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát của các tổ chức xã hội trong công tác PCTN được nâng cao.
Theo Quyết định này, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Văn phòng UNDP tại Việt Nam và các bên liên quan xây dựng, phê duyệt, ký Kế hoạch hành động hàng năm và triển khai thực hiện Dự án theo quy định hiện hành, đồng thời tiếp tục vận động khoản tài trợ còn thiếu để bảo đảm hiệu quả cao nhất của Dự án. /.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư