Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/11/2014-16:19:00 PM
Doanh nghiệp Việt đang dần khẳng định vị thế trên thị trường

Hàng trăm doanh nghiệp, làng nghề truyền thống tại Hà Nội đã và đang chuyển mình khẳng định vị thế hàng Việt đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam. 

Từ các huyện Thường Tín, Gia Lâm, Ba Vì…, cho đến các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa…, người dân đã quen dần với khẩu hiệu "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," tin tưởng dùng hàng Việt nhiều hơn.

Đây là “quả ngọt” cho những nỗ lực của Ban chỉ đạo cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thành phố Hà Nội trong việc thúc đẩy gắn kết giữa 3 "nhà": Nhà nước - nhà sản xuất - nhà phân phối trong suốt những năm qua...

Bản sắc từ làng nghề truyền thống...

Ngay từ thời gian đầu, cuộc vận động đã được triển khai một cách đồng bộ và toàn diện, từ các cấp chính quyền quận, huyện, các Sở, ban ngành đến các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ... Tất cả đều hưởng ứng và nhiệt tình tham gia vào cuộc vận động, nhằm đưa hàng Việt chất lượng cao đến với người tiêu dùng.

Để tìm hiểu về hiệu quả cuộc vận động này, chúng tôi đã có mặt tại làng nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm thuộc thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội. Huyện Thường Tín là một huyện có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời tại Hà Nội với hơn 40 làng nghề được Ủy ban Nhân dân thành phố công nhận, trong đó thôn Trát Cầu thuộc xã Tiền Phong là một trong những thôn có làng nghề lâu đời nhất.

Tại đây, chúng tôi được nghe ý kiến của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp về những nỗ lực thúc đẩy cuộc vận động cũng như những phương án “gỡ khó” tìm đầu ra sản phẩm, giải pháp tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường trên sân nhà…

Ông Lê Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thường Tín cho biết, sau khi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động, nhờ sự khuyến khích và tuyên truyền tích cực của cán bộ huyện Thường Tín, người dân tại làng Trát Cầu đã được hướng dẫn, phổ biến cách thức để đem những sản phẩm mang thương hiệu Việt đến với người tiêu dùng.

Qua kiểm tra, đến nay đa số các sản phẩm đều đăng ký bảo hộ về mặt thương hiệu, có nhãn mác nguồn gốc xuất xứ đầy đủ.

Tuy vẫn còn xuất hiện một số cái tên mang yếu tố nước ngoài, nhưng người dân làng Trát Cầu vẫn đang cố gắng xây dựng uy tín, nhằm tạo chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường trong nước, đem hàng Việt chất lượng cao đến tận tay người tiêu dùng.

Theo các cụ cao niên trong làng truyền lại, làng nghề Trát Cầu có từ mấy trăm năm về trước chuyên làm chăn, gối bông để giao thương trao đổi hàng hóa với các địa phương khác. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng Trát Cầu vẫn giữ cho mình những kỹ thuật đặc thù và tinh tế.

Hiện làng nghề Trát Cầu có hơn 2.000 hộ dân đang sản xuất các mặt hàng chăn, bông chất lượng cao các loại. Đặc biệt, các khâu sản xuất ra thành phẩm đều cơ giới hóa hoạt động bằng các loại máy móc; nguyên liệu được nhập chủ yếu từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Á.

Ngoài ra người dân nơi đây cũng rất chú ý trong việc học hỏi, sáng tạo để có những mẫu thiết kế đẹp, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Tất cả nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày một phát triển, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và nét đặc sắc riêng của thôn Trát Cầu từ xưa đến nay.

Qua khảo sát, các sản phẩm tại đây hết sức đa dạng, từ chăn, gối bông trước đây, nay đã có đầy đủ các mặt hàng như vỏ ga, gối, đệm, hay được đóng thành bộ với hình thức phong phú, được đóng bao bì lịch sự, bắt mắt.

Giá thành cũng rất đa dạng theo chất lượng sản phẩm, phục vụ được nhiều đối tượng, như khoảng hơn 300.000 đồng cho một bộ sản phẩm gồm 1 chăn mùa hè, 1 đôi vỏ gối và 1 ga trải đệm.

Chính vì những yếu tố đó, các sản phẩm không chỉ phân phối ở Thủ đô, mà còn phân bố rộng rãi đến khắp các tỉnh thành trong nước, thậm chí có mặt tại một số nước, trong đó có Lào.

…đến bản lĩnh doanh nghiệp Việt

Nhằm có một cái nhìn toàn diện hơn về kết quả của cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, chúng tôi đã đến tận các nhà máy sản xuất các mặt hàng mang thương hiệu Việt trên địa bàn. “Mục sở thị” mới thấy, bản lĩnh, tinh thần Việt đã được quán triệt và thực hiện nghiêm túc trên từng sản phẩm.

Tròn 55 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dệt kim Đông Xuân (Doximex) đã từng bước khẳng định được vị thế trong làng Dệt may Việt Nam.

Là một trong những doanh nghiệp tham gia tích cực trong cuộc vận động này, đến nay sau nhiều năm, Doximex đã thiết lập được niềm tin từ đối tác và sự tín nhiệm của người tiêu dùng Việt, không chỉ khẳng định được bản lĩnh trên “sân nhà” mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Trước thực tế phần lớn người tiêu dùng Việt đang phải đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng xấu tới sức khỏe do sự xuất hiện tràn lan của các sản phẩm kém chất lượng, các sản phẩm hàng nhái, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, Công ty Dệt kim Đồng Xuân quyết tâm mở rộng thị trường trong nước, đặt ra cho mình sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng thông qua các sản phẩm thời trang an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.

Chính sự tự chủ, phát huy lợi thế sẵn có của doanh nghiệp có bề dày truyền thống, cùng những chính sách và chiến lược đúng đắn mà sản xuất kinh doanh luôn mang lại hiệu quả cao.

Trong chiến lược của cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, công ty đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng Việt băng các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, tham gia các hội chợ nhằm đưa hàng hóa về các khu nông thôn, tạo điều kiện để các tổ chức tham gia trưng bày, triển lãm quảng báo, giới thiệu sản phẩm…

Một trong những đơn vị có kinh nghiệm và thương hiệu trong ngành bán lẻ tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thường xuyên được nhắc tới là Công ty cổ phần Intimex Việt Nam.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Công ty đã tăng cường tuyên truyền và quảng cáo thương hiệu Việt trên toàn hệ thống 12 siêu thị.

Cơ cấu tỷ trọng hàng Việt trên 20.000 mặt hàng có tới khoảng 90% hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng Việt Nam chất lượng cao đang chiếm ưu thế lớn, được người tiêu dùng tin tưởng và ngày càng thu hút được khách hàng trong nước.

Ngoài chuỗi siêu thị, công ty còn thường xuyên tổ chức các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt đạt tiêu chuẩn chất lượng về nông thôn…

Đặc biệt, đầu năm 2014, Intimex đã mở 17 điểm bán hàng bình ổn giá tại các vùng ngoại thành Hà Nội để tổ chức bán các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao đến tận tay người tiêu dùng Việt.

Có thể nói, kể từ khi triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” doanh nghiệp cũng đã nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trước người tiêu dùng. Hàng hóa chất lượng, đa dạng, mẫu mã đẹp, giá thành vừa với túi tiền người tiêu dùng, nhất là với người lao động.

Ở Hà Nội, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trở thành phong trào “Yêu nước thông qua dùng hàng Việt.”

Để tri ân người tiêu dùng, các doanh nghiệp không ngừng nỗ lực cải tiến sản phẩm, đem những sản phẩm có chất lượng cao ra phục vụ thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng tập trung tăng cường kiểm soát thị trường, quyết tâm “đánh bật” các mặt hàng kém chất lượng ra khỏi thị trường. Doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội đang thực sự nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía người tiêu dùng./.

Nguyễn Thắng - Cẩm Anh
TTXVN

    Tổng số lượt xem: 979
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)