(MPI Portal) – 05/02/2015, tại Hà Nội, Đại sứ quán New Zealand chính thức tổ chức cuộc họp báo khai mạc Mùa “New Zealand – Chào đón những điều mới mẻ” để khởi động năm Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa New Zealand và Việt Nam.
Tham dự buổi họp báo có Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hoài Trung, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam Haike Manning, Thị trưởng Thủ đô Wellington Celia Wade-Brown, Luật sư điều hành của Công ty Luật Frasers, ông Mark Fraser và các nhà báo.
Hợp tác giữa New Zealand và Việt Nam đã phát triển đáng kể trong 40 năm qua. Ngày 16/6/1975, hai quốc gia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 10 năm gần đây, hợp tác song phương giữa hai quốc gia được đẩy mạnh với các chuyến thăm cấp cao, thương mại hai chiều được mở rộng mạnh mẽ, các chương trình viện trợ phát triển hiệu quả và các hợp tác tích cực trong các lĩnh vực như giáo dục, nông nghiệp, an toàn thực phẩm, và quản lý rủi ro thiên tai, quốc phòng, an ninh, và hải quan.
Vào năm 2009, New Zealand và Việt Nam đã ký Hợp tác Toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác song phương. Hai quốc gia cũng hợp tác chặt chẽ trong các đàm phán thương mại quốc tế và đều là thành viên của các đàm phán trong Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
|
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam Haike Manning phát biểu.
|
Tại biểu lễ khai mạc năm Kỷ niệm, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam phát biểu “Năm Kỷ niệm không chỉ là cơ hội để chúng ta ghi nhận những hợp tác thành công giữa hai quốc gia, nhưng quan trọng hơn là cơ hội để chúng ta tập trung vào việc tiếp tục mở rộng hợp tác trong những năm tới. Dù hợp tác giữa hai quốc gia chúng ta đang phát triển tốt đẹp, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa trong các lĩnh vực chính trị, du lịch, giáo dục, thương mại và đầu tư hai chiều”.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung phát biểu “Có thể nói những kết quả đạt được trong thời gian qua hết sức nổi bật. Những lĩnh vực hợp tác đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của hai bên, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, giáo dục đào tạo và nông nghiệp. Tôi cũng cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn nhiều, đặc biệt cơ hội từ các khuôn khổ hợp tác đa phương và khu vực hai nước cùng tham gia mang lại rất lớn như Hiệp định Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trên cơ sở đó, chúng ta hoàn toàn có thể thấy triển vọng quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước rất tươi sáng. Việt Nam mong muốn New Zealand trở thành đối tác của Việt Nam lớn hơn nữa, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục và nông nghiệp nhằm mang lại sự phát triển và thịnh vượng chung cho cả hai nước”.
|
Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hoài Trung phát biểu.
|
Năm 2009, New Zealand và Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện để hợp thức hóa quan hệ hợp tác ngày một phát triển giữa hai quốc gia. Hiệp định Đối tác Toàn diện được thực hiện thông qua Kế hoạch hành động. Các lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch hành động giai đoạn 2013 – 2016 bao gồm nông nghiệp, giáo dục, công nghệ sạch, quản lý môi trường, và quản lý rủi ro thiên tai, hàng không, và du lịch. Năm 2015, New Zealand và Việt Nam Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 20 của New Zealand, với nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn nữa. Dự kiến kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia New Zealand và Việt Nam sẽ đạt mức 1 tỷ đô la Mỹ vào năm 2015. Tính đến tháng Sáu năm 2014, thương mại hai chiều tăng 23%, đạt 875 triệu đô la Mỹ. Từ năm 2008, New Zealand xuất khẩu sang Việt nam đã tăng 60%, và Việt Nam được xem là thị trường xuất khẩu của New Zealand có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực ASEAN. Các mặt hàng xuất khẩu của New Zealand sang Việt Nam trong thời gian tháng Sáu 2013 – cùng kỳ 2014 chủ yếu là các sản phẩm sữa (51%) và sản phẩm lâm nghiệp (15%).
Nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng trong hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia. Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang New Zealand bao gồm: trái cây nhiệt đới, các loại quả hạch, cà phê, hạt tiêu, hải sản và công ty sữa Vinamilk của Việt Nam đã đầu tư vào công ty sữa Miraka của New Zealand. Xuất khẩu nông sản của New Zealand sang Việt Nam chiếm 66% tổng kim ngạch xuất khẩu của New Zealand sang Việt Nam, bao gồm: sản phẩm sữa, các sản phẩm da và lông, rau quả, gỗ, và hải sản. Dựa vào giao thương đáng kể cho các mặt hàng thực phẩm giữa hai quốc gia và danh tiếng hàng đầu thế giới của New Zealand về an toàn thực phẩm, hệ thống quản lý chất lượng, và Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm mà hai chính phủ đang đàm phán nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này và giúp Việt Nam phát triển hệ thống an toàn thực phẩm của riêng mình.
Hợp tác giáo dục là một phần quan trọng trong quan hệ song phương giữa New Zealand và Việt Nam. Về viện trợ phát triển, New Zealand hiện vẫn đang tài trợ rất nhiều dự án cho nhiều năm với tổng kinh phí lên tới 44 triệu đô la Mỹ cho Việt Nam. Các chương trình Viện trợ tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam mà New Zealand có thế mạnh như: nông nghiệp, phát triển kỹ năng và kiến thức, quản lý rủi ro thiên tai./.
Các dự án điển hình của New Zealand: Hợp tác cải tiến nông nghiệp giữa Viện Nghiên cứu Rau ăn quả Miền Nam của Việt Nam và Viện Nghiên cứu Thực phẩm và Cây trồng New Zealand, Dự án An toàn đập do Trường Đại học Thủy Lợi tại Hà Nội và Công ty kỹ thuật New Zealand – Damwatch Services thực hiện. Hàng năm, New Zealand cung cấp 30 suất học bổng sau đại học cho sinh viên Việt Nam (trị giá 2.5 triệu đô la New Zealand) và tiếp tục Chương trình đào tạo tiếng Anh cho cán bộ và cán bộ cấp cao của Chính phủ Việt Nam. Từ năm 1990, đã có hơn 420 cán bộ Việt Nam tham gia chương trình này tại New Zealand. |
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư