(MPI Portal) – Ngày 16/4/2015, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014.
|
Ảnh: Internet
|
Báo cáo PCI năm 2014 đánh dấu chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển PCI Việt Nam với mục tiêu, trở thành công cụ hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam thông qua việc cung cấp các chỉ tiêu, dữ liệu về chất lượng điều hành kinh tế, yếu tố quan trọng đối với đầu tư và tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân. Những chỉ số này đã góp phần chỉ ra lĩnh vực cải cách nào cần thiết và cách thức cải thiện chất lượng điều hành.
Báo cáo PCI năm 2014 tập hợp ý kiến của 9.859 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động trên khắp 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. Với ý kiến của 1.491 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Báo cáo mong muốn đưa cuộc cạnh tranh về chất lượng điều hành cấp tỉnh lên bối cảnh rộng lớn hơn, Việt Nam phải là một điểm đến hấp dẫn về đầu tư quốc tế.
Năm 2014, Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân của bảng xếp hạng PCI với số điểm 66,87. Thành công này đến từ việc thực hiện hiệu quả chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, khi chính quyền Thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Tiếp sau Đà Nẵng là Đồng Tháp (65,28 điểm) và Lào Cai (64,67 điểm), những gương mặt khá quen thuộc trong nhóm đứng đầu của bảng xếp hạng hàng năm. Cả hai địa phương đều có những sáng kiến cải cách độc đáo. Nếu Đồng Tháp luôn coi doanh nghiệp là bạn đồng hành trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao, thì Lào Cai lại có sáng kiến đột phá khi xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố để tiếp thu những ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về chất lượng điều hành của chính quyền các cấp. Từng đứng ở nhóm cuối của bảng xếp hạng PCI trong 2 năm trước đây, Tuyên Quang đã trở thành một hiện tượng cho sự thay đổi từ nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành thấp nhờ các nỗ lực tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền.
Khảo sát PCI năm nay ghi nhận những cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực Gia nhập thị trường, tiếp đến là Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động và Chi phí thời gian. So với kết quả chỉ số PCI năm trước, một tỉnh trung vị cho thấy: Thời gian chờ đợi của doanh nghiệp để chính thức đi vào hoạt động giảm đi; Chất lượng và hiệu quả vận hành của các bộ phận Một cửa tăng lên; Doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách, vai trò của các hiệp hội địa phương được khẳng định; Mức độ hài lòng về chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động tăng lên.
Bên cạnh đó, những lĩnh vực điều hành cần cải thiện là Chi phí không chính thức, Tính năng động và Tiếp cận đất đai. Đánh giá cả ba lĩnh vực này, doanh nghiệp tại tỉnh trung vị thể hiện tâm lý bi quan nhất kể từ khi tiến hành điều tra PCI trên tất cả các tỉnh, thành phố.
Về Chỉ số Cơ sở hạ tầng PCI năm 2014, kết quả cho thấy, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai là 5 tỉnh, thành phố được các doanh nghiệp dân doanh đánh giá tốt nhất về cơ sở hạ tầng. Đứng cuối bảng về chất lượng cơ sở hạ tầng là các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Bắc Kạn, Trà Vinh và Đắk Nông.
Khảo sát các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam năm thứ 5 thu thập ý kiến của 1.491 doanh nghiệp FDI đến từ 43 quốc gia khác nhau, hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ doanh nghiệp FDI tập trung cao nhất. Tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp FDI trong năm 2014 vừa qua, 16,3% doanh nghiệp FDI cho biết đã tăng đầu tư hoạt động và 65,1% tuyển thêm lao động mới. Số lượng việc làm theo điều tra PCI-FDI được ghi nhận tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Cảm nhận của doanh nghiệp trong và ngoài nước về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết quả khảo sát cho thấy doanh nghiệp đánh giá Hiệp định TPP sẽ đem lại nhiều cơ hội và triển vọng cho Việt Nam. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc quan trọng cần thực hiện ở phía trước như công khai thông tin về nội dung hiệp định và chuẩn bị cho các hoạt động tái cơ cấu theo các điều khoản cam kết.
Báo cáo PCI năm 2014 cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan về môi trường kinh doanh. Niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh trong hai năm tới đã được phục hồi trong 5 năm trở lại đây. Chất lượng điều hành của các địa phương nói chung đang dần dần được cải thiện. Năm nay, nỗ lực cải cách rõ rệt nhất ở lĩnh vực Gia nhập thị trường, tiếp đến là Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động và Chi phí thời gian. Tuy nhiên, một lần nữa, báo cáo PCI lại cho thấy các lĩnh vực khó và phức tạp như giảm thiểu Chi phí không chính thức, tăng cường Tính năng động của chính quyền tỉnh, thuận lợi hơn và ổn định hơn trong Tiếp cận đất đai hay tạo ra môi trường kinh doanh Cạnh tranh bình đẳng vẫn tiếp tục cần nhiều nỗ lực cải cách của chính quyền các địa phương./.
10 năm PCI (2005-2015) có 80.589 lượt doanh nghiệp dân doanh và 7.799 lượt doanh nghiệp FDI tham gia Điều tra PCI 63/63 tỉnh, thành phố có chương trình đánh giá, cải thiện PCI 147 văn bản pháp lý các cấp được ban hành về cải thiện PCI 255 hội thảo chẩn đoán cấp tỉnh và 12 hội thảo cấp vùng về PCI.
|
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư