(MPI Portal) – Sáng ngày 16/4/2015, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dựa trên kết quả, giai đoạn 2011-2015” (CDTA 7725). Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu; ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Ramesh Adhikari, Tư vấn trưởng, Dự án CDTA 7725 và đại biểu của các đối tác phát triển, các bộ, ngành liên quan.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Hội thảo nhằm chia sẻ các sản phẩm đầu ra chính của Dự án hỗ trợ kỹ thuật với các đối tác phát triển tại Hà Nội và các bộ ngành, Chính phủ Việt Nam cung cấp hiểu biết về khung kết quả kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các tiêu chí đánh giá hiệu quả chương trình đầu tư công và hệ thống phát triển, quản lý cơ sở dữ liệu.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm là một trong những văn kiện mang tính định hướng phát triển kế hoạch trung hạn quan trọng của Việt Nam. Việc thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2011-2015 và chuẩn bị tốt cho kế hoạch 5 năm 2016-2020 đóng góp tích cực vào thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, công tác lập và thực hiện kế hoạch của Việt Nam còn nhiều hạn chế, điển hình là tình trạng thiếu định hướng theo kết quả chưa có sự gắn kết rõ ràng giữa kế hoạch và ngân sách, ngân sách dành cho các chương trình dự án đầu tư công và chưa có hệ thống theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch, thực hiện dự án đầu tư công dựa trên kết quả.
Nhận thức được những hạn chế đó, trong nhiều năm qua với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ đặc biệt là ADB, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều nỗ lực nhằm đổi mới công tác lập kế hoạch và theo dõi đánh giá. Cụ thể, trong giai đoạn 2006-2010 ADB đã hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Khung theo dõi đánh giá kế hoạch 5 năm 2006-2010 của quốc gia và được thể chế hóa bằng Quyết định số 555/2007/QĐ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tiếp theo nỗ lực đó, ADB tiếp tục phê duyệt Dự án CDTA 7725 với mục tiêu tổng thể nhằm tăng cường cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ Việt Nam thông qua cải tiến hệ thống theo dõi đánh giá, trên cơ sở sử dụng cách tiếp cận của các nước phát triển áp dụng cho các bộ ngành và địa phương.
|
Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tại Hội thảo, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam đánh giá cao kết quả của Dự án CDTA 7725. Dự án mang lại tác động giúp cải thiện tình hình thực hiện cũng như kết quả phát triển của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đầu tư công.
Đại diện ADB, ông Ramesh Adhikari, Tư vấn trưởng trình bày các sản phẩm và kết quả mong đợi chính của Dự án; quy trình và tổ chức thực hiện; kết quả nghiên cứu ban đầu; khung kết quả cải tiến cho theo dõi và đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh; hệ thống theo dõi và đánh giá cải tiến cho các chương trình đầu tư công bao gồm các tiêu chí đánh giá và hệ thống đánh giá thực hiện; hệ thống phát triển và quản lý cơ sở dữ liệu thống nhất cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và theo dõi các chương trình, dự án đầu tư công.
|
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Đến nay, Dự án đã đi vào giai đoạn kết thúc và hoàn thành tất cả các nội dung như văn kiện đã ký kết, các sản phẩm của Dự án đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới công tác theo dõi, đánh giá và quản lý đầu tư công ở Việt Nam. Cụ thể: bước đầu chuyển công tác lập và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch phát triển ngành cấp tỉnh sang hướng theo kết quả, gắn kết giữa việc lập kế hoạch và theo dõi đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch. Do đó, chất lượng kế hoạch và trách nhiệm giải trình trong thực hiện kế hoạch sẽ được cải thiện; Bộ tiêu chí đánh giá đầu tư công sẽ giúp cho công tác thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định dự án chi tiết có cơ sở khách quan, khoa học hơn. Việc lựa chọn các dự án ưu tiên để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm sẽ có cơ sở khoa học được trách nhiệm của cơ quan thẩm định và phê duyệt đầu tư. Đồng thời, đánh giá quá trình thực hiện chương trình, dự án từ khâu chủ trương đến vận hành khai thác sử dụng từng bước đưa công tác đánh giá đầu tư công trở thành một hoạt động thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực đầu tư công; Công tác tin học hóa trong quản lý đầu tư công. Trong tương lai, khi cơ sở dữ liệu các dự án đầu tư công được kết nối giữa trung ương, cấp tỉnh và huyện thì việc theo dõi thường xuyên tình hình thực hiện đầu tư công sẽ được chấn chỉnh, nhằm giúp sớm loại bỏ các dự án bị trì hoãn hoặc không đạt được mục tiêu dự kiến ban đầu./.
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư