(MPI Portal) – Ngày 30/4/2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|
Trong thời gian qua, các cấp các ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường quản lý, từng bước khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế. Tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối và thi công vượt vốn kế hoạch vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở địa phương. Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản chậm chuyển biến.
Theo Chỉ thị, các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, bảo đảm không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sau ngày 31/12/2014. Kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các dự án đầu tư công. Chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền.
Chỉ thị nêu rõ các ngành, các cấp phải chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã được phê duyệt; thực hiện nghiêm các quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; tuyệt đối không được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nếu không xác định rõ được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền thẩm định nguồn vốn, chỉ được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư không vượt quá mức vốn đã được thẩm định của từng nguồn vốn.
Đồng thời kiểm soát việc điều chỉnh dự án đầu tư, chỉ được điều chỉnh dự án trong các trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 46 của Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách cấp mình để thực hiện. Thực hiện thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự án; Bố trí vốn kế hoạch tập trung cho các dự án bảo đảm thời gian hoàn thành và tiến độ thực hiện dự án; Không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thi công dự án khi chưa được bố trí vốn, làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; Chỉ tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu đã được bố trí vốn. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư và thực hiện các dự án đầu tư công./.
Khoản 2, Điều 46 của Luật Đầu tư công quy định Cấp có thẩm quyền quyết định dự án theo quy định tại Điều 39 của Luật Đầu tư công thực hiện việc điều chỉnh dự án trong các trường hợp sau:
a) Do các nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi về mục tiêu, nội dung đầu tư, chi phí và thời gian thực hiện dự án;
b) Do ảnh hưởng của sự cố thiên tai, hỏa hoạn và các yếu tố bất khả kháng khác khi đã hết thời gian bảo hiểm của dự án;
c) Xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định;
d) Khi điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp tới dự án;
e) Khi chỉ số giá trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền quyết định.
|
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư