(MPI Portal) - Ngày 17/6/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 872/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
|
Khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Internet
|
Mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội nhanh, từng bước tạo sự chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh hiệu quả của nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có cơ cấu kinh tế hợp lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chủ yếu đồng bộ, hiện đại.
Trên cơ sở đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm đạt 12 - 13%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 3.600 USD trở lên, thu nhập thực tế của dân cư năm 2020 gấp 4,4 lần năm 2010. Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng GRDP chiếm 30%. Tốc độ tăng quy mô dân số bình quân khoảng 0,65%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 35%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý tại đô thị theo tiêu chuẩn môi trường đạt 91%; tỷ lệ các cơ sở kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn môi trường năm 2020 là 75%. Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành hệ thống đường tuần tra biên giới, nâng cấp đường vành đai biên giới, đường ra biên giới đạt tiêu chuẩn đường cấp V, cấp VI miền núi.
Từ những mục tiêu trên, Quyết định nêu ra 3 hướng đột phá đến năm 2020 gồm: tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách hành chính để thu hút vốn cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng thị trường lao động.
Quyết định nêu rõ phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, nông, lâm, thủy sản tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa quy mô lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân đạt khoảng 2,9%/ năm, đến năm 2020 sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 30% giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Về phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng các ngành sản phẩm công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng…tăng tỷ trọng các ngành sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sản xuất thân thiện môi trường, sản phẩm hướng vào xuất khẩu. Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực gồm lọc hóa dầu và hóa chất, may mặc, da giày, xi măng, chế biến nông, lâm, thủy sản. Khuyến khích phát triển các ngành cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, phần mềm…Phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hằng năm đạt 18-19%.
Về dịch vụ, du lịch phát triển nhanh, đa dạng và nâng cao chất lượng các loại dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng dần tỷ trọng các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn. Tập trung phát triển các dịch vụ du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, dịch vụ cảng biển và logistics, dịch vụ đào tạo dạy nghề, y tế chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế…Phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm du lịch, cảng biển của vùng Bắc Trung bộ và cả nước, tốc độ tăng trưởng dịch vụ bình quân hằng năm đạt trên 8,9%.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển về các lĩnh vực xã hội như lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe, văn hóa thể dục thể thao, lao động việc làm và giảm nghèo; tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu, phát triển kết cấu hạ tầng như giao thông, thông tin viễn thông, cấp nước, thủy lợi…
Quyết định đưa ra định hướng phát triển của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, với mục tiêu phát triển Thanh Hóa theo mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu; hướng mạnh vào phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh và kinh tế xuất khẩu với các ngành sản phẩm chủ lực có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP giai đoạn 2021-2030 khoảng 8-9%/ năm; giai đoạn 2021-2025 khoảng 9-10% và giai đoạn 2026-2030 khoảng 7-8%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 6.500 USD vào năm 2025 và 10.000-11.000 USD năm 2030. Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP phân theo ngành kinh tế nông, lâm, nghiệp thủy sản; công nghiệp – xây dựng và dịch vụ tương ứng khoảng 8,9%-55,3%-35,8% vào năm 2025 và 6,4%-56,5%-37,1% năm 2030.
Tại Quyết định cũng nêu rõ một số giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch như: giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư; về cơ chế chính sách; khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ tài nguyên và môi trường; giải pháp về chỉ đạo, điều hành, bảo đảm an ninh quốc phòng…/.
File đính kèm: QD_872.signed.pdf
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư