(MPI Portal) - Hội nghị đánh giá tình hình triển khai kết quả Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa diễn ra sáng ngày 23/6/2015, tại Hà Nội.
Hội nghị nhằm tập trung đánh giá tình hình thực hiện các hành động chính sách khuyến nghị tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2013 (VDPF 2013) và kế hoạch triển khai hành động chính sách của VDPF 2014, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện tại VDPF 2015 dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2015.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, các bộ, ngành được giao chủ trì đã tích cực phối hợp với các đối tác phát triển tập trung thực hiện các hành động chính sách VDPF 2013, góp phần giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc ít người; Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ và sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp dịch vụ công; Bảo vệ môi trường; Tăng cường tính cạnh tranh của lực lượng lao động thông qua đào tạo nghề và phát triển kỹ năng. Việc triển khai VDPF 2013 được lựa chọn, bao quát trên nhiều lĩnh vực, phù hợp với yêu cầu thực tế và góp phần quan trọng vào công tác cải cách hành chính, cải cách chính sách trong lĩnh vực giảm nghèo, phát triển khu vực tư nhân, quản lý môi trường…
Các hành động chính sách VDPF 2013 đã thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, đồng thời góp phần tăng tính cạnh tranh và huy động nguồn lực cho phát triển bền vững đất nước. Việc tập trung nỗ lực giảm nghèo và giảm nghèo nhóm dân tộc thiểu số đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% vào năm 1993 xuống còn 5,97% vào năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi đã giảm 3-4%/năm.
Chỉ tiêu về cấp nước, năm 2014 đạt 84,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 45% số hộ gia đình ở nông thôn chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; 91% trường học mầm non, phổ thông và 93% trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch. Đã nâng mức vay vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo lên 50 triệu đồng; hạ mức lãi xuất từ 7,8%/năm xuống còn 7,2%/năm nhằm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo sản xuất, kinh doanh.
Về chủ đề bảo vệ môi trường, Việt Nam cũng đã xây dựng và ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, sửa đổi tập trung vào các lĩnh vực: Giám sát thực thi Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định về Đánh giá tác động môi trường và Đánh giá tác động môi trường chiến lược.
Lĩnh vực đào tạo nghề cho người lao động cũng được chú trọng, tính đến 30/5/2015, Việt Nam có 1.456 cơ sở dạy nghề, tăng 116 cơ sở so với cùng kỳ 2014. Trong đó có 180 trường cao đẳng nghề, 285 trường trung cấp nghề; 991 trung tâm dạy nghề. Đội ngũ giáo viên dạy nghề cũng phát triển nhanh chóng cả về số và chất lượng, các chương trình dạy nghề đã từng bước hôi nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Dựa trên những kết quả của VDPF 2013, kế hoạch hành động của VDPF 2014 tập trung vào hai lĩnh vực là Cải cách thể chế kinh tế thị trường và Phát triển kinh tế tư nhân. Trên thực tế, nhiều hành động chính sách VDPF 2014 đã có quá trình triển khai thực hiện từ trước theo yêu cầu của các bộ, ngành có liên quan. Do vậy, kết quả thực hiện hành động chính sách VDPF 2014 khá phong phú, dự kiến sẽ đáp ứng yêu cầu đặt ra và tác động tích cực trong việc góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng, thực thi các chính sách thuộc hai lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực Cải cách thể chế kinh tế thị trường, cho tới nay, đã có 11 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành hoặc đã trình Quốc hội dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, 27 dự thảo văn bản đang được xây dựng, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành và 1 văn bản chưa được triển khai xây dựng. Các bộ, ngành đã tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, củng cố nền tảng và nguyên lý kinh tế thị trường thông qua việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.
Trong lĩnh vực Phát triển kinh tế tư nhân, các hoạt động đã và đang tiếp tục triển khai, với 02 dự thảo văn bản đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành gồm Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, đã hoàn thành 5 hoạt động, 16 hoạt động đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện.
Để việc thực hiện các hành động chính sách đạt được mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, các bộ, ngành cần chủ động hơn nữa trong trong việc đẩy mạnh công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản dưới luật, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển; tăng cường vai trò làm chủ và tính chủ động của các cơ quan trong việc đề xuất, phối hợp giữa các cơ quan với đối tác phát triển, bảo đảm thực hiện các cam kết và hành động chính sách VDPF 2014.
Bên cạnh đó, các đối tác phát triển cần chủ động phối hợp với các cơ quan triển khai hành động chính sách, xem xét cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách và chia sẻ kinh nghiệm nhằm đảm bảo các hành động chính sách được hoàn thành đúng cam kết với chất lượng tốt.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Hội nghị là cơ hội đối thoại chính sách quan trọng, thu hút nhiều hơn sự tham gia của các bên. Bà Victoria Kwakwa đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, quản lý môi trường và đào tạo nghề.
Phát biểu tại Hội nghị, các đối tác phát triển đánh giá cao những kết quả của Việt Nam trong việc thực hiện VDPF 2013, đặc biệt là trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục có biện pháp hợp lý để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện khung pháp lý, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư