(MPI Portal) - Sáng ngày 16/7/2015, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp (M&A Vietnam Forum 2015) đã tổ chức Họp báo nhằm cung cấp các thông tin chính thức về Diễn đàn.
Diễn đàn M&A là hoạt động thường niên do Báo Đầu tư, Công ty AVM Việt Nam đồng tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Diễn đàn đã trở thành nơi trao đổi, chia sẻ thành công và rủi ro từ thực tiễn hoạt động M&A thông qua việc đánh giá, phân tích các thương vụ điển hình, là kênh kết nối và xúc tiến đầu tư cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Diễn đàn M&A 2015 với chủ đề "Chờ đón sự bùng nổ” sẽ diễn ra ngày 06/8/2015, tại thành phố Hồ Chí Minh.
Diễn đàn M&A được đánh giá là diễn đàn về M&A có uy tín hàng đầu tại Việt Nam, thu hút sự tham dự của nhiều diễn giả là các chuyên gia hàng đầu về M&A, cùng với gần 3.000 lãnh đạo các doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.
Tại Diễn đàn M&A, lãnh đạo các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, qũy đầu tư trong nước và quốc tế đã cùng nhau trao đổi, đánh giá xu hướng M&A tại Việt Nam, trao đổi thông tin hữu ích, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đã có rất nhiều thương vụ được kết nối thành công tại Diễn đàn M&A trong 6 năm qua.
|
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
phát biểu tại Họp báo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Diễn đàn M&A 2015 lựa chọn chủ đề “Chờ đón sự bùng nổ” là xuất phát từ cơ sở thực tiễn: Thứ nhất, hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2015 và 5 năm tiếp theo sẽ diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế; khung khổ pháp lý cho hoạt động M&A đang ngày một hoàn thiện hơn khi hàng loạt đạo luật quan trọng liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh đã được sửa đổi, bổ sung và đang đi vào cuộc sống như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản…
Thứ hai, theo Đề án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được Chính phủ phê duyệt nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn sẽ được cổ phần hóa, đồng thời Chính phủ sẽ giảm mạnh số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp mà nhà nước giữ cổ phần chi phối.
Thứ ba, cùng với chương trình Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy hoạt động M&A trong thời gian tới.
Thứ tư, xu hướng trỗi dậy mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế và họ đã lựa chọn M&A như một chiến lược quan trọng, để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Thứ năm, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, ASEAN, Châu Mỹ, Châu Âu đang có sự quan tâm đặc biệt tới các lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng, công nghiệp, viễn thông…thông qua con đường M&A. Và thực tế trong các lĩnh vực nói trên đã xuất hiện nhiều thương vụ trị giá hàng trăm triệu USD trong thời gian qua.
Khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. ASEAN không chỉ trở thành thị trường tiêu thụ khổng lồ nhờ tầng lớp trung lưu tăng mạnh mà các nhà đầu tư nước ngoài còn ưa thích thị trường lao động giá rẻ và trẻ tuổi ở các nước đang phát triển như Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a và Việt Nam. Ngoài ra, các công ty mục tiêu tại ASEAN thường có giá trị thương vụ thấp hơn so với các công ty mục tiêu ở Mỹ và châu Âu.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Đặc biệt, năm 2015 là hạn chót để các nước thành viên ASEAN thiết lập khu vực mậu dịch tự do. Nếu thành công, tất cả 10 quốc gia thành viên sẽ hội nhập kinh tế toàn diện vào một thị trường chung thống nhất với quy mô 600 triệu người. Điều này cho thấy khu vực ASEAN trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty nước ngoài. Mặt khác, các doanh nghiệp địa phương sở hữu lượng tiền mặt dư thừa sẽ tăng cường các hoạt động M&A để nâng cao năng lực cạnh tranh của họ trên thị trường toàn cầu.
Việt Nam là thị trường được hưởng lợi từ dòng chảy nguồn vốn dồi dào đó. Giai đoạn 2014 - 2018, thị trường M&A tại Việt Nam bắt đầu bước vào một làn sóng mới, được ghi nhận là làn sóng thứ 2 với tổng giá trị M&A được dự báo lên đến 20 tỷ USD. Theo khảo sát và thống kê của nhóm nghiên cứu MAF, năm 2014 giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam tăng khoảng 20% so với năm 2013, đạt gần 4 tỷ USD.
Các chính sách mới ban hành gần đây như: Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ 01/7/2015, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán… cùng với những cam kết cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước lớn, sự trỗi dậy của các công ty tư nhân trong nước, sự quan tâm của các dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và M&A tại Việt Nam… được kỳ vọng sẽ là động lực làm bùng nổ làn sóng M&A thứ hai tại Việt Nam trong thời gian tới.
Diễn đàn M&A 2015 được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam, dù bị tác động không nhỏ của tình hình thế giới và khu vực, cũng như những yếu tố nội tại nhưng đang trên đà phục hồi kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, mặt bằng lãi suất giảm, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế và đổi mới mô hình tăng trưởng đang được đẩy nhanh và mang lại những kết quả tích cực./.
Diễn đàn M&A 2015 sẽ được tổ chức với các hoạt động chính gồm: Chương trình Kết nối đầu tư, Hội thảo, Bình chọn và trao Giải các thương vụ M&A tiêu biểu, Khóa học M&A cho các doanh nghiệp. Chương trình kết nối đầu tư (MAF Expo) là một trong những nội dung quan trọng của Diễn đàn nhằm kết nối các doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác, cơ hội đầu tư và có nhu cầu mua bán, sáp nhập cũng như đầu tư chiến lược.
MAF Expo sẽ giới thiệu cơ hội hợp tác trong 5 nhóm ngành đầu tư được quan tâm (như tài chính, bất động sản, tiêu dùng, bán lẻ, sản xuất) và dự kiến sẽ có hàng trăm lãnh đạo cấp cao từ các Tập đoàn và các quỹ đầu tư đến từ 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Bắc Á, Châu Âu và Mỹ tham dự.
Hội thảo M&A 2015 là điểm nhấn trọng tâm của Diễn đàn với 3 chủ đề chính: Đối thoại chính sách; Triển vọng các dòng vốn mới và kinh nghiệm M&A.
Kết thúc Diễn đàn là Tiệc kết nối đầu tư kết hợp với trao Giải các thương vụ M&A tiêu biểu. Đặc biệt, trong khuôn khổ của Diễn đàn M&A Việt Nam 2015, Báo Đầu tư sẽ xuất bản Đặc san “Toàn cảnh thị trường Mua bán - Sáp nhập 2015 – Vietnam M&A Outlook 2015” song ngữ Anh - Việt, nhằm giúp doanh nghiệp có thêm thông tin chính thống về luật pháp, chính sách cũng như các cơ hội đầu tư theo hình thức M&A.
|
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư