Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/07/2015-09:58:00 AM
Kinh tế Việt Nam: Triển vọng tích cực nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro thách thức
(MPI Portal) – Ngày 20/7/2015, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại buổi công bố báo cáo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Báo cáo, tăng trưởng GDP Việt Nam trong nửa đầu năm 2015 đạt 6,28%, là mức tăng trưởng sáu tháng đầu năm cao nhất trong vòng 5 năm qua.Kinh tế Việt Nam phục hồi chủ yếu do tăng trưởng của ngành công nghiệp và xây dựng, trong khi nông nghiệp và dịch vụ tăng trưởng thấp. Các hoạt động đầu tư và tiêu dùng khởi sắc. Xuất khẩu các mặt hàng gia công chế biến vẫn tăng trưởng ở mức cao nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng chậm lại do sụt giảm xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp (gạo, cà phê, cao su, thủy sản…) và nguyên liệu. Tuy nhiên, nhập khẩu tăng nhanh gây nên tình trạng nhập siêu và thâm hụt thương mại. Lạm phát duy trì ở mức thấp phần nhiều là do sụt giảm hàng hóa nhiên liệu và lượng thực phẩm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động cắt giảm lãi suất và dần nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế, tín dụng. Tính chung năm 2015, dự kiến GDP Việt Nam tăng trưởng 6 – 6,2% và lạm phát ở mức thấp 2,5%.

Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách trung bình 5 năm qua đã trên mức 5% GDP (so với mức 1,1% trong giai đoạn 2003-2008). Các khoản chi ngoài ngân sách cũng gia tăng nhanh chóng, ngân sách nhà nước đang chi 8% cho phí lãi suất của các khoản nợ.Các biện pháp tài khóa tình thế (miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, hỗ trợ, kích cầu…) đang góp phần làm tăng nợ công. Nợ trong nước (từ phát hành trái phiếu) tăng nhanh làm tăng lãi suất bình quân và giảm thời hạn, chu kỳ đáo hạn của các khoản nợ, hơn 75% nợ trong nước sẽ đáo hạn trong 3 năm tới.

Trong khi đó, cán cân kinh tế đối ngoại giảm sút, xuất khẩu hàng nông thủy sản và dầu thô giảm mạnh,các mặt hàng gia công chế biến tiếp tục ở mức cao. Thâm hụt thương mại là nguyên nhân đẩy cán cân thanh toán vãng lai sang trạng thái âm trong quý I/2015. Thực hiện vốn FDI tăng nhưng cam kết FDI mới giảm đáng kể. Nợ công gia tăng nhưng nợ nước ngoài ở mức ổn định, tỷ lệ đảo nợ cao. Dự trữ ngoại hối tăng nhưng còn ở mức thấp. Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm hơn kế hoạch đề ra, quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra nhưng rất chậm. Đến hết quý 1 mới cổ phần hóa được 29 DNNN so với mục tiêu 289 doanh nghiệp đề ra trong cả năm 2015. Cải cách ngân hàng có tiến triển trong năm nay, đặc biệt là phần củng cố lại hệ thống ngân hàng, mua bán sát nhập các ngân hàng yếu kém, song việc xử lý nợ xấu còn chậm so với kỳ vọng. Các hiệp định song phương và khu vực đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải cách cơ cấu kinh tế trong nước./.

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2063
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)