Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/08/2015-17:47:00 PM
Tuyên Quang cần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư
(MPI Portal) – Ngày 03/8/2015, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 263/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang cần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tập trung vào một số ngành có tiềm năng lợi thế.
Thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Internet

6 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Tuyên Quang tăng 18,5% so với cùng kỳ, các hoạt động thương mại, du lịch đều tăng khá, khai thác rừng trồng tăng 43,2%, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá, các chỉ tiêu khác cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Các lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội tiếp tục được quan tâm và từng bước nâng cao chất lượng. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,48%. Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn là tỉnh nghèo, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, kết nối cơ sở hạ tầng và hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập; đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi cao còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao so với bình quân cả nước; chất lượng một số lĩnh vực văn hoá - xã hội chưa cao; tỉ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; năng lực sản xuất và năng lực thị trường còn thấp.

Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Tuyên Quang cần phát huy những lợi thế so sánh như về đất đai, khoáng sản, nông, lâm, ngư nghiệp, giao thông đường bộ, đường thuỷ… Tỉnh cần tiếp tục đổi mới nhận thức và tư duy trong mọi lĩnh vực, nhất là đổi mới tư duy về chuyển dịch cơ cấu, tái cơ cấu nền kinh tế, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu của từng sản phẩm cho phù hợp với thực tế của địa phương; thực hiện tốt công tác kết nối cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; tăng cường kết nối gắn với hội nhập kinh tế quốc tế với các nước trong khu vực và các tỉnh trong cả nước; có kế hoạch đẩy mạnh phát triển du lịch và dịch vụ; công nghiệp hỗ trợ…; có chính sách để thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, ngư nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang cần chỉ đạo quyết liệt hơn trong công tác quản lý nhà nước, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tập trung vào một số ngành có tiềm năng lợi thế; gắn kết chặt chẽ giữa các vùng sản xuất hàng hóa với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, tập trung phát triển một số cây trồng vật nuôi có lợi thế như cam, chè, nguyên liệu giấy… tổ chức tốt việc liên kết vùng, đẩy nhanh hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại; tạo ra môi trường cạnh tranh hấp dẫn hơn.

Đồng thời cần tập trung chăm lo đời sống cho đồng bào nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo, vùng khó khăn. Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, khoa học kỹ thuật, y tế, giữ gìn bản sắc văn hoá của địa phương; thực hiện có hiệu quả các giải pháp để giảm nghèo nhanh, bền vững gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội; duy trì đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội./.

Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1734
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)