Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/09/2015-14:29:00 PM
Vốn ODA Nhật Bản góp phần phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam
Vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam đã và đang trở thành nguồn lực tài chính quan trọng để đầu tư phát triển các lĩnh vực hạ tầng kinh tế-xã hội, làm tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cầu Nhật Tân, công trình được xây dựng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Không những thế, nguồn vốn này còn góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, cải cách thể chế và tăng cường năng lực cho nhiều cơ quan Việt Nam…

Phóng viên thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tiến, Vụ phó Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết tình hình thu hút và sử dụng vốn ODA của Nhật Bản cho đến thời điểm hiện nay?

Ông Nguyễn Xuân Tiến: Trong suốt hơn 20 năm qua, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam, chiếm trên 30% tổng vốn ODA cam kết của quốc tế cho Việt Nam.

Thời gian gần đây, ODA của Nhật Bản dành cho các nước bị giảm sút do kinh tế Nhật Bản phải đối phó với khó khăn kéo dài, nhưng Việt Nam vẫn là nước được ưu tiên nhận ODA của Nhật Bản với quy mô gia tăng hàng năm.

ODA của Nhật Bản cho Việt Nam đã góp phần quan trọng hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, cải cách thể chế và tăng cường năng lực cho nhiều cơ quan Việt Nam; cải tạo và phát triển nhiều công trình cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng trong các lĩnh vực điện, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, bưu chính viễn thông, cấp thoát nước, hạ tầng đô thị, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Nhiều dự án quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo sức bật cho tăng trưởng và giảm nghèo của Việt Nam.

Đó là dự án hầm Thủ Thiêm, Đại lộ Đông Tây, các cầu trên Quốc lộ 1, các cầu đường sắt Bắc Nam, cầu Bãi Cháy, cầu Cần Thơ, cầu Thanh Trì, cầu Nhật Tân; nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất và nhà ga hành khách T2 Nội Bài; cảng Cái Lân, cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép-Thị Vải; hệ thống thoát nước và hệ thống giao thông ở các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện trung ương Huế...

Bên cạnh đó, nhiều dự án quan trọng khác cũng đang triển khai như: các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao hiệu quả các dự án sử dụng ODA Nhật Bản và khẳng định ODA Nhật Bản đã góp phần tích cực cho việc hoàn thành các mục tiêu của chiến lược phát triển cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

- Thực tế là hiện nay một số dự án ODA Nhật Bản còn chậm trễ trong việc giải ngân. Vậy đâu là nguyên nhân và theo ông cần biện pháp nào khắc phục trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Xuân Tiến: Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức giải ngân 6 tháng đầu năm 2015 thấp hơn 38% so cùng thời kỳ năm 2014. Tôi cho rằng các nguyên nhân chậm trễ về tiến độ thực hiện và giải ngân chủ yếu vẫn là vướng mắc về thể chế, pháp lý, các qui định, qui chuẩn chuyên ngành.

Không những thế, nhiều dự án còn vướng mắc do các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án; đồng thời, vướng mắc do khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ; vướng mắc do vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời hoặc vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng…

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ giải ngân vốn ODA là việc không cho phép giải ngân vượt kế hoạch được giao theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Quốc hội. Mặc dù vấn đề này đã được tháo gỡ trong tháng 5/2015 nhờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ song tình hình giải ngân vốn ODA trong 6 tháng đầu năm nay chỉ mới được cải thiện ở mức độ nhất định.

Để đạt được mục tiêu giải ngân cả năm, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về ODA, các cơ quan chủ quản, chủ dự án phối hợp với các nhà tài trợ tăng cường giám sát chặt chẽ các dự án thuộc danh sách chậm tiến độ, tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện. Đồng thời, xác định và xử lý kịp thời các vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA.

- Trong thời gian qua, vốn vay ODA của Nhật Bản đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Việt Nam. Xin ông đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn này?

Ông Nguyễn Xuân Tiến: Với đặc trưng là các khoản vay lớn, vốn vay ODA của Nhật Bản trong thời gian qua tập trung chủ yếu vào các dự án hạ tầng quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội nước ta một cách bền vững.

Gần đây nhất, vào tháng 1/2015, có 3 công trình hạ tầng trọng điểm là Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, đường Võ Nguyên Giáp và cầu Nhật Tân đã tạo thành hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đóng góp quan trọng vào việc kết nối Thủ đô Hà Nội với Sân bay quốc tế Nội Bài.

Ngoài việc được sử dụng hiệu quả cho các công trình hạ tầng quy mô lớn lớn tại Việt Nam, vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản cũng được cung cấp theo hình thức hỗ trợ trực tiếp ngân sách nhà nước thông qua các khoản vay Chương trình tín dụng giảm nghèo (Nhật Bản đồng tài trợ, đã được thực hiện được 9 năm) và Khoản vay hỗ trợ khắc phục khủng hoảng tài chính và kích cầu kinh tế (đã được thực hiện trong tài khóa 2009), Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh (EMCC)…

- Vậy trong thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục dành nguồn ODA cho Việt Nam như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Tiến: Trong những năm vừa qua, nguồn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam trung bình khoảng 200 tỷ yen/năm (tương đương 2 tỷ USD), tập trung vào các lĩnh vực chính như: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế; cải thiện môi trường xã hội và xây dựng thể chế.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản tháng 7/2015 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã hứa sẽ xem xét khả năng dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA khoảng 300 tỷ yen (tương đương 3 tỷ USD) trong tài khóa 2015 (kết thúc vào ngày 31/3/2016) để thực hiện các dự án mới cũng như các dự án đang triển khai cần bổ sung vốn trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng và phát triển hạ tầng đô thị. Đây là một động thái tích cực của Chính phủ Nhật Bản nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam./.

Thúy Hiền
TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1845
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)