Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/09/2015-21:02:00 PM
ADB nâng mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,5% trong năm 2015 và 6,6% trong năm 2016
(MPI Portal) – Đây là nhận định được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong buổi họp báo công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2015 diễn ra ngày 22/9/2015.

Đại diện ADB tại buổi họp báo (Ảnh: ADB)

Báo cáo cập nhật

Theo Báo cáo, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,3% trong 6 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất kể từ năm 2010. Kết quả này có được nhờ ngành công nghiệp đã có mức tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ năm 2014, đóng góp gần một nửa vào kết quả tăng trưởng. Sản lượng khu vực sản xuất công nghiệp đặc biệt khởi sắc, tăng 9,9% nhờ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng cường sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu. Các dự án đầu tư mới trong ngành khai khoáng đã giúp cho ngành này đạt mức tăng trưởng 8,2%, phục hồi từ tình trạng sụt giảm trong nửa đầu năm 2014. Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng đạt 6,6% nhờ có sự phục hồi nhẹ trên thị trường bất động sản và đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng. Tăng trưởng khu vực dịch vụ hầu như giữ nguyên ở mức 5,9% trong 6 tháng đầu năm. Khu vực bán buôn và bán lẻ đều tăng trưởng cao hơn, nhưng ngành du lịch lại sụt giảm do số lượng khách du lịch giảm 11,3%. Nông, lâm và ngư nghiệp tăng trưởng khiêm tốn ở mức 2,4%, giảm một nửa điểm phần trăm so với năm trước do thời tiết xấu và giá cả hàng hóa giảm.

Về phía cầu, lạm phát thấp là động cơ thúc đẩy tiêu dùng tư nhân đạt mức tăng trưởng 8,9%. Tốc độ tăng trưởng đầu tư cũng được cải thiện với tổng số vốn hình thành tăng 6,9%, nhờ có sự tăng tốc trong tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm mạnh từ mức kỷ lục 23% hồi tháng 8/2011. Trong 8 tháng đầu năm nay, tỷ lệ lạm phát trung bình là 0,8%.

Lãi suất cho vay trung bình của các ngân hàng thương mại đã giảm từ mức rất cao 17,0% năm 2012 xuống còn 9,5% trong 6 tháng đầu năm 2015. Lãi suất cho vay giảm cùng với niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư đều hồi phục đã làm cho tăng trưởng tín dụng ước tính đạt 17,1% so với năm trước tại thời điểm giữa năm 2015.

Chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng. Chi tiêu ngân sách tăng 10,5% trong 6 tháng đầu năm 2015, thâm hụt ngân sách tăng lên 3,7% GDP so với 3% của năm trước. Nhìn chung nhiệm vụ kiểm soát bội chi ngân sách trong giới hạn 5% GDP trong năm 2015 có thể khó đạt được khi giá dầu thế giới tiếp tục giảm.

Sau nhiều năm có thặng dư đáng kể, cán cân vãng lai năm nay đã chịu áp lực do nhập khẩu tăng mạnh. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm nay ước tăng đến 16,7%, trên cơ sở cán cân thanh toán và đồng đô-la Mỹ, so với xuất khẩu hàng hóa tăng 9,3%. Thặng dư thương mại trong 6 tháng đầu năm giảm, thặng dư cán cân vãng lai ước tính chỉ còn khoảng 0,3% GDP, so với 6,2% nửa đầu năm 2014.

Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại năm nay đã giảm, nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh hơn và thị trường bất động sản đã có sự hồi phục. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các ngân hàng giảm từ 8,4% hồi tháng 12/2014 xuống 3,7% trong tháng 6/2015.

Triển vọng

Tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tăng tốc trong 6 tháng cuối năm 2015, trên cơ sở tiêu dùng cá nhân, sản xuất định hướng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng. Báo cáo cập nhật lần này điều chỉnh dự báo tăng trưởng Việt Nam lên 6,5% trong năm 2015 và 6,6% năm 2016.

Sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục thu hút các dòng vốn FDI lớn. Trong số 84,8 tỷ USD vốn FDI cam kết mới kể từ năm 2011 đến tháng 8 năm nay, đến 70% dùng để mở rộng sản xuất, chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu. Giải ngân FDI tăng đến 8,5 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nay. Giá trị xuất khẩu trung bình hằng tháng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, từ gần 3 tỷ USD vào đầu năm 2010 lên 10 tỷ USD vào tháng 8/2015, chiếm khoảng 70% lượng hàng xuất khẩu, cao hơn so với tỷ lệ một nửa ở thời điểm 5 năm trước đây.

Một số dấu hiệu khác cho thấy tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục tăng bao gồm: chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI cho thấy sản xuất mở rộng trong 24 tháng liên tiếp tính đến tháng 8 năm 2015, mặc dù số đơn hàng xuất khẩu giảm nhẹ từ tháng 6 cho thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp có thể giảm đi.

Chính sách tài khóa sẽ tiếp tục theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, mặc dù có thể sẽ thắt chặt hơn trong năm 2016. Kể từ năm 2011 Chính phủ đã tăng chi tiêu và đi vay để giúp nền kinh tế hồi phục. Nợ công, bao gồm nợ do Chính phủ bảo lãnh, dự báo đến cuối năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 62% GDP. Nợ nước ngoài, chủ yếu là các khoản vay ưu đãi dài hạn, vẫn giữ mở mức 28% GDP trong 3 năm qua, được kiềm chế bởi các thủ tục huy động nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức ngày càng phức tạp. Nguồn vốn trong nước với chi phí cao hơn dự báo sẽ tăng lên khoảng 33% GDP. Trả nợ dự báo sẽ chiếm khoảng 15% tổng số thu của chính phủ trong năm 2016.

Lạm phát dự báo sẽ tăng đến 2% so với cùng kỳ năm trước, tại thời điểm tháng 12/2015 do cầu trong nước tăng cao, tăng trưởng tín dụng và tăng cung tiền, tăng giá xăng dầu và giá điện vào đầu năm nay, cũng như tác động của việc điều chỉnh tỷ giá 3% đối với giá cả nhập khẩu. Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong năm nay thậm chí còn nhẹ hơn so với dự báo đã nêu trong Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2015, vì vậy dự báo lạm phát trung bình cả năm đã được điều chỉnh giảm xuống còn 0,9%. Lạm phát sẽ vẫn tăng lên đến 4,0% trong năm 2016. Lạm phát thấp như vậy có thể sẽ làm cho lãi suất giảm.

Thặng dư cán cân vãng lai sẽ thấp hơn so với mức dự báo hồi tháng 3 năm nay, do nhập khẩu tăng mạnh và thị trường xuất khẩu giảm. Ngoài ra, tăng trưởng kiều hối trong 6 tháng đầu năm 2015 đã giảm xuống 4,8% GDP, so với 5,6% của nửa đầu năm 2014. Dự báo thặng dư cán cân vãng lai được điều chỉnh giảm xuống còn 0,5% GDP trong năm nay và giảm ít hơn, xuống 1,0% trong năm 2016. Trong trung hạn, ADB dự báo thặng dư cán cân vãng lai sẽ tăng do nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ đi vào sản xuất và tăng cường xuất khẩu./.

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2252
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)