1. Về tình hình kinh tế vĩ mô
Nền kinh tế nước ta phục hồi khá rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây: tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước; tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước; trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,57%; khu vực dịch vụ tăng 6,17% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 giảm 0,21% so với tháng trước (tháng trước giảm 0,07%); tăng 0,4% so với tháng 12/2014; bình quân 9 tháng tăng 0,74% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm tăng thấp, nhưng không có biểu hiện giảm phát. Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước.
Về thu - chi ngân sách nhà nước: tổng thu NSNN 9 tháng đầu năm ước đạt 683 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014; tổng chi NSNN ước đạt 823,97 nghìn tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán.
Về đầu tư phát triển: tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm ước thực hiện đạt 909,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, bằng 31,9% GDP, trong đó: vốn đầu tư phát triển từ NSNN thực hiện ước đạt 65,3% dự toán, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 9,65 tỷ USD, tăng 8,4%; vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân ước đạt 3,3 tỷ USD.
Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, tỷ lệ nhập siêu ở mức kiểm soát: tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014; tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 124,6 tỷ USD, tăng 15,9%; nhập siêu 9 tháng đầu năm khoảng 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
2. Về giáo dục đào tạo, an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác
Trong 9 tháng đầu năm, ngành giáo dục đào tạo tiếp tục triển khai thực hiện việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Đã tổ chức tốt kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015 và cơ bản đã hoàn thành việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Về lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân: trong 9 tháng đầu năm, ước tạo việc làm trên 1,2 triệu người, đạt 76,1% kế hoạch năm, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất và đời sống đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại do thiên tai, bão, lũ... Công tác y tế dự phòng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường.
Các hoạt động văn hoá - nghệ thuật, thông tin, tuyên truyền được quan tâm triển khai; thông tin, tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; về tình hình kinh tế - xã hội trong nước và thế giới.
Tiếp tục chú trọng các hoạt động thể thao thành tích cao; chuẩn bị tốt lực lượng tham dự các giải thi đấu khu vực và quốc tế và đạt nhiều kết quả tốt, bước đầu đưa hình ảnh thể thao Việt Nam tiếp cận với thế giới và châu lục. Các hoạt động thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được quan tâm tổ chức, hướng tới xã hội thể thao toàn diện.
Về trật tự an toàn giao thông: so với cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông 9 tháng đầu năm đã giảm cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn giảm 12%, số người chết giảm 3,55% và số người bị thương giảm 16,29%.
Đánh giá chung, trong 9 tháng đầu năm 2015, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động ứng phó của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi rõ nét và đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm trước. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Sản xuất công nghiệp, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng khá. Tổng cầu và sức mua được tăng lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng cao; khách quốc tế đến nước ta tháng 9 tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Tín dụng tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; thị trường ngoại hối, mặt bằng lãi suất tương đối ổn định; tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng nhanh, đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Thu NSNN, nhất là thu nội địa đạt khá so với cùng kỳ. Thu hút FDI đạt kết quả khá; vốn FDI đăng ký và thực hiện tăng cao so với cùng kỳ. Niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tăng cao. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng, nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ cho đầu tư sản xuất kinh doanh và xuất khẩu tăng; tỷ lệ nhập siêu 9 tháng đầu năm vẫn ở mức kiểm soát (bằng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; mục tiêu kế hoạch đề ra là 5%). Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả; việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ, bảo vệ tài nguyên, môi trường được chú trọng thực hiện; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương).
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: giá dầu thô, hàng hóa thế giới giảm mạnh, cùng với diễn biến phức tạp của thị trường tài chính thế giới, sự suy giảm của một số nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế nước ta. Khu vực nông nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, hạn hán, mưa, lũ và những khó khăn về thị trường, giá xuất khẩu giảm mạnh. Đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán còn nhiều khó khăn./.
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư