Báo cáo tại Hội nghị giao ban sản xuất-kinh doanh 9 tháng do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (5/10) tại Hà Nội, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong khi khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu tới 11,9 tỷ USD thì ngược lại, khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước lại nhập siêu 15,8 tỷ USD.
|
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)
|
Nhóm nông lâm sản vẫn sụt giảm mạnh
Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, trong tháng Chín, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 14,2 tỷ USD. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu đạt gần 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI không kể dầu thô ước đạt 82,2 tỷ USD, tăng 21,1% và chiếm 68,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng xuất khẩu của khối FDI chính là nhóm hàng công nghiệp chế biến, sau 9 tháng ước đạt 94,95 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 23,2 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, hàng dệt may đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,6%; điện tử máy tính và linh kiện đạt 11,4 tỷ USD, tăng 52,8%; giày dép đạt 8,8 tỷ USD, tăng 18,4%so với cùng kỳ năm 2014.
Trong khi đó, những tác động về thị trường xuất khẩu tiếp tục gây sức ép lên nhóm nông lâm thủy sản là nhóm hàng do doanh nghiệp 100% vốn trong nước chiếm đa số, ước tính sau 9 tháng giá trị xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm thủy sản ước đạt 15,14 tỷ USD, giảm 9,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2014 và giảm khoảng 50 triệu USD về giá so với cùng kỳ năm trước.
Riêng mặt hàng càphê giảm 31,2% về khối lượng và giảm 32,2% về giá trị so cùng kỳ năm trước, trong khi gạo cũng giảm 10,1% về khối lượng và giảm 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm nay đạt 430,87 USD/tấn, giảm 5,08% so với cùng kỳ năm 2014.
"Nhìn chung các doanh nghiệp nội vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất, gia công, lắp ráp vẫn duy trì ở mức cao, ngược lại khối FDI vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam," ông Nguyễn Tiến Vỵ nói.
Một số thị trường chủ lực như Hoa Kỳ vẫn đạt mức tăng trưởng cao, sau 9 tháng xuất khẩu đạt 24,9 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2014. Tiếp đến là EU với 22,8 tỷ USD, tăng 12,4%. Riêng khối ASEAN đạt 13,8 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập siêu cả nước lên 3,9 tỷ USD
Trong tháng Chín, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước. Trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 8,4 tỷ USD; tăng 2,5%. Lũy kế sau 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 124,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong 9 tháng đầu năm bao gồm: máy móc thiết bị đạt 20,9 tỷ USD, tăng 30,2%; máy tính và linh kiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 31%; vải đạt 7,5 tỷ USD, tăng 8,7%; nguyên phụ liệu dệt may đạt 3,8 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái...
Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu sau 9 tháng ước đạt 5 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu giảm 2,9% nhưng mặt hàng ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ vẫn tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, ước nhập siêu 9 tháng đầu năm là 3,86 tỷ USD, bằng 3,2% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Việt Nam vẫn chủ yếu nhập siêu với khu vực châu Á.
Đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 36,84 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính mức xuất khẩu sau 9 tháng từ Trung Quốc là 12,5 tỷ USD, thì đến thời điểm này, Việt Nam đang nhập siêu từ thị trường này khoảng 24,34 tỷ USD.
Theo kế hoạch, năm nay, tăng trưởng xuất khẩu sẽ ở mức 10% so với năm 2014 và nhập siêu khoảng 5% kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, đến hết quý 3, nhập siêu đã đạt 3,2% kim ngạch xuất khẩu và đang có xu hướng tăng dần trong thời gian tới, do vậy để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương cho biết sẽ áp dụng nhiều giải pháp thích hợp nhằm kiểm soát các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu đồng thời tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành khác tăng cường hướng dẫn và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường mới, trong đó chú trọng đến những thông tin mang tính đặc thù liên quan đến tập quán, văn hóa, những yếu tố thị trường.
Thứ trưởng cũng khuyến cáo doanh nghiệp phải chú ý đến hàng rào kỹ thuật cũng như chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện cũng như quy trình sản xuất về chất lượng sản phẩm, môi trường, an toàn thực phẩm, giữ được chỗ đứng bền vững trong chuỗi cung ứng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu./.