Ảnh minh họa. Nguồn: Internet (MPI Portal) – Ngày 22/9/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1636/QĐ-TTg về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Quyết định, mục tiêu tổng quát đến năm 2020, xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế của vùng và cả nước về công nghiệp khai thác và chế biến sâu các loại khoáng sản, xuất nhập khẩu hàng hóa trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, dịch vụ cửa khẩu, du lịch, bước đầu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Là địa bàn quan trọng về hợp tác quốc tế với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); Duy trì và phát huy được nét đẹp của văn hóa đa sắc tộc; Bền vững về môi trường tự nhiên; Chính trị ổn định, an ninh, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền quốc gia được bảo đảm. Phấn đấu đến năm 2020, Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Bắc và đến năm 2030, Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Theo mục tiêu tổng thể, về kinh tế, Lào Cai phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 10,5 - 11,5%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2020 khoảng 75 triệu đồng. Trong cơ cấu kinh tế đến năm 2020, tỷ trọng ngành nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 13%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 44,5% và dịch vụ chiếm 42,5%.
Về xã hội, Lào Cai phấn đấu tỷ lệ tăng dân số tự nhiên khoảng 1,2%/năm. Đến năm 2020, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn so với bình quân của vùng, giảm tỷ lệ nghèo bình quân khoảng 3 - 5%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 65%, tạo việc làm mới cho khoảng 5,5 - 6,0 nghìn người/năm. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, mục tiêu tới năm 2020 hoàn thành khoảng 50 xã đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Về môi trường, phấn đấu tỷ lệ che phủ của rừng đạt 56%, dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt trên 95%, 100% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Chất thải rắn được thu gom và xử lý.
Tầm nhìn đến năm 2030, Lào Cai là tỉnh kinh tế dịch vụ - công nghiệp hiện đại, sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, là trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và Đông Nam Á. Phát triển bền vững các lĩnh vực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực dân cư, các điều kiện trật tự, an toàn xã hội và an sinh xã hội được bảo đảm tốt.
Quyết định cũng đưa ra điều chỉnh định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực như nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; Du lịch và dịch vụ; Các lĩnh vực xã hội; Kết cấu hạ tầng; Bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Ngoài ra, Quyết định còn đưa ra định hướng tổ chức không gian lãnh thổ về hệ thống đô thị, nông thôn; Phân vùng kinh tế và sáu giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: Thu hút vốn đầu tư; Phát triển nhân lực; Sử dụng đất; Khoa học - công nghệ; Phát triển doanh nghiệp và hợp tác phát triển; Cơ chế - chính sách.
Quyết định cũng nêu rõ, tỉnh Lào Cai cần tổ chức công bố, phổ biến đến các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Cụ thể hóa các mục tiêu Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hằng năm để thực hiện và có đánh giá kết quả đạt được. Trên cơ sở đó tiến hành rà soát lại Quy hoạch và trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung kịp thời bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng thời kỳ. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện Quy hoạch.
Quyết định này thay thế Quyết định số 46/2008/QĐ-TTg ngày 31/3/2008 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/9/2015./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư