(MPI Portal) – Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Dự án Luật quy hoạch hoàn thiện để trình Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2015.
|
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng ban soạn thảo Luật phát biểu tại buổi họp báo về dự thảo Luật quy hoạch, diễn ra chiều ngày 10/7/2015.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Cho ý kiến về việc hoàn thiện dự án Luật quy hoạch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc hoàn thiện dự án Luật này phải đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp, bám sát chủ trương xây dựng Luật quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Với chủ trương đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hoàn thiện dự án Luật theo hướng khắc phục căn bản những tồn tại hiện nay trong công tác quy hoạch, hạn chế triệt để những tác động tiêu cực của quy hoạch như: thiếu đồng bộ, chồng chéo, cản trở lẫn nhau giữa các loại quy hoạch ... Đồng thời, cần kế thừa các quy định pháp luật hiện hành và nghiên cứu đổi mới để quy hoạch trở thành công cụ quản lý vĩ mô, điều hành kinh tế - xã hội hiệu quả, kiến tạo không gian phát triển có tầm nhìn bền vững, tạo động lực cho việc huy động, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, nguồn tài nguyên, tạo thuận lợi cho đời sống nhân dân, doanh nghiệp, phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường.
Về phạm vi điều chỉnh cần xác định Luật quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung đối với các loại quy hoạch trong cả nước, tạo lập khuôn khổ pháp lý thống nhất để quản lý các loại quy hoạch gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và các địa phương trong từng thời kỳ. Theo đó, Luật điều chỉnh chung về lập, quản lý quy hoạch, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, công khai quy hoạch và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch. Các quy định của Luật cần tạo ra khung quy hoạch không gian hạ tầng đồng bộ, gắn kết, hỗ trợ cùng phát triển, bảo đảm vai trò điều phối, quản lý thống nhất và tập trung của Chính phủ đối với các vấn đề quy hoạch ở tầm quốc gia, liên ngành, liên vùng, liên tỉnh.
Về hệ thống quy hoạch, trên cơ sở các quy hoạch hiện hành, cần xác định quy hoạch là tổ chức không gian phát triển bảo đảm phân định rõ các nhóm quy hoạch: (1) Nhóm quy hoạch sử dụng các loại tài nguyên như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các loại tài nguyên, khoáng sản, quy hoạch biển; (2) Nhóm quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội như: quy hoạch giao thông, quy hoạch năng lượng, quy hoạch hạ tầng viễn thông, quy hoạch hạ tầng y tế, quy hoạch hạ tầng giáo dục …; (3) Nhóm quy hoạch không gian phát triển như: quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; (4) Nhóm quy hoạch ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm.Trong đó, cần chú ý đổi mới công tác quản lý quy hoạch ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm theo hướng chỉ lập quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực hạ tầng quan trọng, sử dụng tài nguyên. Không lập quy hoạch đối với các ngành nghề, sản phẩm cụ thể, mà quản lý bằng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định pháp luật để điều tiết phù hợp với quy luật thị trường và xu thế hội nhập quốc tế. Chú ý làm rõ các loại quy hoạch, phương thức tích hợp các quy hoạch trong quy hoạch quốc gia để bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên, tạo ra khung hạ tầng kinh tế - xã hội thúc đẩy phát triển, hạn chế “xin – cho” phát sinh từ yêu cầu coi quy hoạch là điều kiện để cấp phép, phù hợp với cơ chế thị trường.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện về công tác quản lý quy hoạch bảo đảm phân cấp, thẩm quyền chặt chẽ, cần quy định cụ thể trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các bộ, cơ quan trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; cần làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quy hoạch quốc gia trong mối quan hệ với các bộ, ngành, Hội đồng thẩm định nhà nước, Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm. Trường hợp đề xuất Hội đồng quy hoạch quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập, thực hiện chức năng tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch thì không quy định về Hội đồng này trong dự thảo Luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham khảo kinh nghiệm quốc tế, rà soát, tổng hợp, đánh giá cụ thể tác động các quy định của dự án Luật quy hoạch đến các quy hoạch hiện đang thực hiện, quy định cụ thể điều khoản chuyển tiếp thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt để bảo đảm tính khả thi và bảo đảm các yêu cầu quản lý thống nhất hệ thống quy hoạch theo dự án Luật này.
Luật Quy hoạch sau khi được ban hành sẽ tạo bước đột phá mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, là động lực để thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Dự án Luật có tầm quan trọng không chỉ nhằm hướng tới cải cách toàn diện về công tác quy hoạch mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân thông qua việc xóa bỏ các quy hoạch sản phẩm, ngành nghề cụ thể.
Luật Quy hoạch còn là bước đột phá về thể chế tạo ra sự đồng bộ về hệ thống pháp luật từ 70 văn bản luật, pháp lệnh rút xuống còn 2 văn bản luật điều chỉnh về công tác quy hoạch nhằm tạo lập, sắp xếp lại hệ thống quy hoạch một cách trật tự, gọn gàng, thống nhất và hữu hiệu để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng giúp nhà nước kiến tạo sự phát triển, tạo đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch còn là đòn bẩy để khắc phục tình trạng phát triển tự phát, không đồng bộ, kém hiệu quả do bị chi phối bởi nhóm lợi ích, tình trạng cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương; đồng thời cũng tạo công cụ để xử lý, giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững; tạo ra khung pháp lý nhằm đổi mới về phương pháp và nội dung quy hoạch, từ đó sẽ tác động tích cực, làm thay đổi cách thức tổ chức lập quy hoạch từ cách thức truyền thống sang cách thức hiện đại theo phương pháp quy hoạch chiến lược và nội dung quy hoạch tổng hợp, đa ngành./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư