Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/10/2015-11:34:00 AM
Chính phủ họp thường kỳ tháng 9 năm 2015

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
(MPI Portal) – Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2015, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Báo cáo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Báo cáo kết quả 3 năm (2013 - 2015) triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và một số nội dung quan trọng khác.

Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, quý III đạt 6,81%, 9 tháng đạt 6,5%. Trong đó, công nghiệp tăng 9,57%, nông nghiệp ước tăng 2,08%, dịch vụ ước tăng 6,17%. Ước cả năm GDP tăng trên 6,5%, vượt kế hoạch đề ra (6,2%), cao nhất trong 8 năm qua. Khu vực công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng 9,57%, thực sự trở thành động lực chủ yếu tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 9,8%, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2015 giảm 0,21% so với tháng trước, tăng 0,4% so với tháng 12/2014, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,2%, cao nhất kể từ năm 2011, thể hiện niềm tin tiêu dùng và cầu của nền kinh tế tăng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn đang đối diện một số khó khăn, thách thức như giá dầu thô, hàng hóa thế giới giảm mạnh, cùng với diễn biến phức tạp của thị trường tài chính thế giới đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có thu ngân sách nhà nước từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu. Khu vực nông nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, hạn hán, mưa, lũ và những khó khăn về thị trường, giá xuất khẩu giảm mạnh; Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản đạt thấp so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu. Đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán còn nhiều khó khăn.

Do vậy, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát và chủ động ứng phó chính sách kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình trong nước và quốc tế. Đồng thời, quyết liệt, sâu sát, tăng cường phối hợp giữa các ngành các cấp trong chỉ đạo điều hành, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Nghị quyết số19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ nhằm mục tiêuphấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015.

Đồng thời, tiếp tục bám sát mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm đa dạng hóa các hình thức thu hút và huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường quản lý giá cả, thị trường, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là FTA với EU và TPP trong thời gian tới. Kiểm soát nhập khẩu phù hợp với thông lệ và các cam kết quốc tế.

Các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 19/NQ-CP, khẩn trương hoàn thành dự thảo và các thủ tục để ban hành các văn bản kịp thời, tránh để nợ đọng ban hành văn bản. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó, tập trung vào tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóa.

Về các báo cáo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện, cập nhật lại số liệu, làm rõ hơn mặt được, chưa được, nguyên nhân và các biện pháp khắc phục.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, cho ý kiến về: Báo cáo thực trạng và giải pháp nâng cao năng suất lao động của Việt Nam; Việc tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế thanh toán bảo hiểm y tế; Vấn đề tổ chức, quản lý đơn vị sự nghiệp y tế ở địa phương; Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân; Báo cáo về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi); Tờ trình về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế./.

Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1681
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)