Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/10/2015-09:56:00 AM
Công nghiệp hỗ trợ khu vực phía Nam có sự khởi sắc
Các nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) ở phía Nam đang phát triển về năng lực công nghệ một cách vững chắc, số các DN có thể đáp ứng về chất lượng, kỹ thuật, thời hạn giao hàng cho các (DN) Nhật Bản dần tăng lên.
Ảnh minh họa

Ông Hirotaka Yasuzumi, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã phát biểu như vậy khi cùng hàng trăm DN đến từ Nhật Bản tham dự 4 triển lãm lớn về ngành công nghiệp được đồng tổ chức tại TPHCM gồm: Triển lãm Liên minh các DN ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) 2015; Triển lãm METALEX Vietnam 2015 (MXV); Triển lãm Electronics Assembly 2015 (EA) và Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2015 (ICSV).

Ông Hirotaka Yasuzumi cho rằng, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở Việt Nam năm 2014 tuy đã đạt tỉ lệ 33%, tăng 11% so với 4 năm trước đây, nhưng nếu so với tỉ lệ hiện nay của Thái Lan là 55%, Trung Quốc 66% thì vẫn còn một khoảng cách xa.

Tuy nhiên, theo điều tra năm 2014 của JETRO, có thể thấy tỉ lệ cung ứng nội địa của các DN Nhật Bản tại phía Nam là 36%, cao hơn so với tỉ lệ 31% ở phía Bắc. Đặc biệt, nếu so sánh tỉ lệ cung ứng từ các DN bản địa Việt Nam cho các DN Nhật Bản thì ở phía Bắc, tỉ lệ này là 11%, trong khi ở phía Nam là 19%, tiến gần hơn tới tỉ lệ 21% của Indonesia và 23% của Thái Lan.

Theo ông Hirotaka Yasuzumi, thời gian gần đây, các nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là các DN ở phía Nam đang phát triển về năng lực công nghệ một cách vững chắc, số các DN có thể đáp ứng về chất lượng, kỹ thuật, thời hạn giao hàng cho các doanh nghiệp Nhật Bản dần tăng lên. Đối với DN Nhật Bản có trình độ kỹ thuật, quản lý cao thì các DN CNHT của Việt Nam đang dần trở thành một đối tác tin cậy.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, việc phát triển CNHT được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Những năm gần đây, luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá lớn. Riêng với TPHCM, theo số liệu của Cục Thống kê Thành phố, từ đầu năm đến ngày 15/9, đã có 397 dự án có vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với vốn đăng ký đạt hơn 2.362 triệu USD, tăng 115,3% so với cùng kỳ năm trước.

“Các nhà sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đang có xu hướng chuyển dần công nghệ và nhà máy vào Việt Nam. Điều này kéo theo nhu cầu cao về linh kiện tại chỗ. Đây là dịp để các DN nội địa nắm bắt cơ hội và trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn”, ông Tuấn nói.

Tại các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM, hiện có khoảng hơn 260 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc ngành CNHT, chiếm trên 50% tổng DN FDI, chủ yếu sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho các ngành như điện tử, cơ khí, ô tô...

Sản phẩm của các DN này chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài nhằm thực hiện các công đoạn tiếp theo của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho các DN này được nhập khẩu từ nước ngoài, cho thấy liên kết giữa các DN có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Tại các cuộc gặp gỡ và kết nối giữa các DN Nhật Bản và Việt Nam trong thời gian gần đây, các DN Nhật Bản luôn bày tỏ mong muốn được hợp tác với các DN Việt Nam cùng thúc đẩy ngành CNHT trong nước ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, ông Hirotaka Yasuzumi cho rằng, hiện nay, nếu chỉ có sự nỗ lực của DN thì việc phát triển CNHT còn nhiều hạn chế do nền tảng phát triển DN vừa và nhỏ yếu kém. Cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam một cách cụ thể về mặt tài chính, kỹ thuật, nhân lực để có thể phát triển ngành CNHT./.

Lê Anh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1632
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)