Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 39/2015/TT-BGTVT hướng dẫn thi hành một số điều của Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia.
|
Cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh - Ảnh Internet |
Theo đó, giữa Việt Nam và Campuchia có 7 cặp cửa khẩu sau: 1- Lệ Thanh (Gia Lai) - Oyadav (Andong Pich-Rattanakiri); 2- Bu Prăng (Đắc Nông) - O Raing (Mundulkiri); 3- Hoa Lư (Bình Phước) - Trapeang Sre (Snoul-Kratie); 4- Xa Mát (Tây Ninh) - Trapeing Phlong (Tbong Khmum); 5- Mộc Bài (Tây Ninh) - Bavet (Svay Rieng); 6- Tịnh Biên (An Giang) - Phnom Den (Takeo); 7- Hà Tiên (Kiên Giang) - Prek Chak (Lork-Kam Pot).
Phương tiện của Việt Nam thực hiện Hiệp định là phương tiện có Giấy đăng ký phương tiện và biển số do cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp. Phương tiện bao gồm phương tiện thương mại và phương tiện phi thương mại.
Phương tiện thương mại phải được gắn thiết bị giám sát hành trình, có niên hạn sử dụng và có phù hiệu, biển hiệu theo quy định hiện hành.
Được ở lại không quá 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh
Thông tư nêu rõ, mỗi chuyến đi, phương tiện được phép ở lại lãnh thổ của Bên ký kết kia không quá 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp quá thời hạn quy định mà có lý do chính đáng (thiên tai, tai nạn, hỏng không sửa chữa kịp) sẽ được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn xuất cảnh.
Các phương tiện được phép hoạt động tại các tỉnh, thành phố của Bên ký kết kia và qua lại các cặp cửa khẩu theo quy định.
Tuy nhiên, phương tiện không được phép vận tải hàng hóa hoặc hành khách giữa 2 điểm trong lãnh thổ của Bên ký kết kia (trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép).
Đủ giấy tờ khi xuất cảnh, nhập cảnh
Khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu và lưu hành, phương tiện phải có các giấy tờ còn hiệu lực cùng bản dịch tiếng Anh hoặc bản dịch tiếng quốc gia của nước đến có chứng thực để xuất trình các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu và cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
Các phương tiện phải có các giấy tờ sau: Giấy đăng ký phương tiện; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Giấy phép liên vận Việt Nam - Campuchia; Giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với bên thứ 3; Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất hoặc tạm xuất - tái nhập.
Riêng với vận tải hành khách theo tuyến cố định, danh sách hành khách phải có xác nhận của bến xe. Danh sách hành khách không áp dụng đối với vận tải hành khách bằng xe taxi. Đồng thời, cần thêm hợp đồng vận tải hành khách (với phương tiện vận tải theo hợp đồng).
Đối với phương tiện thương mại vận tải hàng hóa cần có thêm Phiếu gửi hàng; Tờ khai hải quan đối với hàng hóa.
Lái xe điều khiển phương tiện và người trên phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế phù hợp với điều ước quốc tế mà 2 nước là thành viên và thị thực do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2015./.
Minh Hoàng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ