Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/10/2015-11:34:00 AM
Cần quyết liệt chỉ đạo thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
“Không để chậm trễ, kéo dài và phải quyết liệt chỉ đạo thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) một cách triệt để”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Lê Mạnh Hà nhấn mạnh, đồng thời cho biết đây là ý kiến chỉ đạo của Chính phủ mà các địa phương cần nghiêm túc thực hiện trong thời gian tới.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Phan Hoàng

Chiều 9/10, tại TPHCM, Phó Chủ nhiệm (VPCP) Lê Mạnh Hà đồng thời là Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã có buổi làm việc với một số địa phương phía Nam về tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu DNNN trên địa bàn.

Đây là những địa phương còn nhiều DNNN chưa hoàn thành cổ phần hóa, có khả năng chậm tiến độ thực hiện kế hoạch năm 2015.

Cùng dự buổi làm việc có Vụ trưởng Vụ Đổi mới Doanh nghiệp VPCP Nguyễn Trọng Dũng, đại diện lãnh đạo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và tỉnh Bình Dương.

Sau khi nghe các địa phương báo cáo kết quả và khó khăn trong quá trình thực hiện, ông Lê Mạnh Hà đề nghị các địa phương cần nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các phương án tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là kế hoạch cổ phần hóa DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu DNNN một cách nghiêm túc. Nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến đổi mới tổ chức, hoạt động, quản lý, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN đã được ban hành nhằm đẩy nhanh quá trình này.

Tuy nhiên, thực tế ở một số địa phương, tiến độ thực hiện tái cơ cấu DNNN còn chậm, số DNNN phải hoàn thành tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước còn khá nhiều. Vì vậy nếu không tập trung quyết liệt triển khai, có khả năng sẽ không hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn 2011-2015.

Kế hoạch năm 2015, cả nước phải cổ phần hóa 289 DNNN. Nhưng đến tháng 8/2015 mới cổ phần hóa được 95 doanh nghiệp (DN), chỉ đạt 32,8% kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, trong tổng số 6 DNNN thuộc diện phải tiến hành cổ phần hóa, tỉnh mới hoàn thành cổ phần hóa một DN. Những DN chưa hoàn thành gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Vật liệu và Xây dựng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp và Tổng Công ty Thương mại, xuất nhập khẩu Thanh Lễ.

Trong số các DN nêu trên, đến hết năm 2015, tỉnh Bình Dương dự kiến cũng chỉ hoàn thành cổ phần hóa đối với 2 DN. Còn 3 DN, tỉnh dự kiến xin chuyển kế hoạch thực hiện sang năm 2016.

Tương tự ở TP.HCM, tính đến tháng 10/2015, trên địa bàn còn đến 16 DN (trong tổng số 21 DNNN đã được phê duyệt tại kế hoạch năm 2015) vẫn chưa hoàn thành cổ phần hóa. Từ nay đến cuối năm, Thành phố sẽ tiếp tục ban hành quyết định công bố giá trị, phê duyệt phương án cổ phần hóa đối với 13 DN. Số DN còn lại, Thành phố cũng xin được điều chỉnh kế hoạch thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Về nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ cổ phần hóa, theo phản ánh từ các địa phương, chủ yếu là do các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể hết các trường hợp phát sinh trong thực tế, dẫn đến việc áp dụng vào thực tế còn nhiều lúng túng. Ví dụ như phương pháp xác định giá trị đối với tài sản là các dự án đường BOT, việc xác định giá trị lợi thế kinh doanh để tính vào giá trị DN…

Bên cạnh đó, quá trình cổ phấn hóa chậm do thời gian tổ chức xác định giá trị DN kéo dài. Đặc biệt là tại các Tổng công ty có tài sản lớn, kinh doanh nhiều lĩnh vực, đa ngành nghề. Đơn cử như trường hợp hai Tổng Công ty tại Bình Dương, sau 9 tháng thực hiện xác định giá trị DN nhưng vẫn chưa xong.

Ngoài ra, các yếu tố khác như việc chuyển chức năng thẩm định giá quyền sử dụng đất từ Sở Tài chính sang Sở TN&MT; cùng những khó khăn trong việc chuyển giao các dự án liên doanh với nước ngoài về công ty mẹ… cũng ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.

Nhận định những khó khăn của tỉnh Bình Dương và TPHCM trong việc thực hiện tái cơ cấu DNNN cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trên cả nước, Vụ trưởng Vụ Đổi mới Doanh nghiệp VPCP Nguyễn Trọng Dũng cho rằng, thời gian tới, TPHCM và Bình Dương có thể tham khảo cách làm của các địa phương khác, từ đó rút kinh nghiệm, nghiên cứu phương án giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai, thực hiện.

Theo ông Nguyễn Trọng Dũng, để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2015, trước mắt, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị, DN khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan; đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh quá trình xác định giá trị DN, phê duyệt phương án cổ phần hóa DN; tăng cường tiếp xúc với DN để tìm hiểu nguyên nhân chậm tiến độ…; vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Nhà nước, triển khai ngay các biện pháp khắc phục phù hợp với tình hình thực tế./.

Phan Hoàng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1478
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)