Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nền kinh tế thực đang có những dấu hiệu hồi phục tích cực, tuy nhiên, cần lưu ý rủi ro trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, đề phòng bong bóng tài sản và linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá.
Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III/2015.
Đánh giá về điều hành tỷ giá khi trong quý III/2015, NHNN đã tăng tỷ giá thêm 1% và điều chỉnh biên độ giao dịch từ 1% lên 3% (tổng cộng điều chỉnh 2% từ đầu năm 2015), VEPR cho rằng mặc dù đã điều chỉnh vượt mức biên độ điều chỉnh 2% cam kết trong năm 2015, giá trị danh nghĩa của đồng nội tệ so với USD vẫn cao hơn đáng kể so với kỳ vọng thị trường.
Hơn nữa, theo quy định hiện hành, việc NHNN ban hành Thông tư 15 chỉ cho phép các nhà nhập khẩu được mua ngoại tệ giao ngay 2 ngày trước thời điểm thanh toán, quy định này cùng với việc giảm lãi suất tiền gửi USD có tác động làm giảm một phần đầu cơ ngoại tệ.
Tuy nhiên, VEPR cho rằng cần có cơ chế tỷ giá điều chỉnh linh hoạt hơn để bảo vệ ổn định kinh tế vĩ mô nội tại và khu vực sản xuất trong nước, đặc biệt trong trường hợp dòng vốn nóng chảy vào Việt Nam sau Hiệp định TPP như trường hợp gia nhập WTO năm 2007. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có thể sẽ chứng kiến những "cú sốc" lớn khi Trung Quốc và các thị trường mới nổi đang điều chỉnh mạnh mẽ.
VEPR cho rằng cần thiết lập một cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt và hiệu quả hơn việc tiếp tục đưa ra các cam kết không điều chỉnh tỷ giá đến năm 2016.
Về tăng trưởng tín dụng, VEPR đánh giá nhu cầu tín dụng tăng nhanh trong 9 tháng đầu năm 2015, tính đến tháng 9, tổng dư nợ tín tụng tăng 10,78% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với tốc độ 7% cùng kỳ 2014.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, hiện thời kinh tế thực có bước tiến, nhưng rủi ro chính hiện nay đang tích lũy dần trong khu vực tiền tệ. Nếu tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau.
Tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ tăng lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau. Do đó, chính sách tiền tệ cần thận trọng là điều cần thiết, đồng thời kiểm soát chặt chẽ cung tiền phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa.
Cùng với việc kiểm soát tín dụng, VEPR lưu ý về nguy cơ hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ. Vì tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. Do đó, VEPR cho rằng, một khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay bất động sản.
Về lãi suất, VEPR cho rằng thị trường tài chính đã ổn định cần để lãi suất xác định theo tương quan thị trường. Theo quy luật, nếu duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức quá thấp, sẽ giảm bớt thu hút tiền gửi của các ngân hàng thương mại, đồng thời làm gia tăng tiêu dùng và đẩy dòng vốn tiết kiệm vào các thị trường tài sản có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn, điều này có thể gây mất cân bằng trên thị trường vốn./.
Anh Minh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ