Nếu tất cả các hiệp định tự do thương mại (FTA) hiện nay và sắp tới của Việt Nam chính thức có hiệu lực, khoảng 80% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam tới các thị trường Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc có thể được hưởng những ưu đãi thuế quan, tạo lợi thế đáng kể so với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác.
Khách đến tham quan Triển lãm VTG 2015. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)
Nếu tất cả các hiệp định tự do thương mại (FTA) hiện nay và sắp tới của Việt Nam chính thức có hiệu lực, khoảng 80% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam tới các thị trường Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc có thể được hưởng những ưu đãi thuế quan, tạo lợi thế đáng kể so với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác.
Chia sẻ về vấn đề định hướng chiến lược của ngành dệt may bên lề Triển lãm quốc tế lần thứ 15 về máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt và may 2015 (VTG 2015), Tổng thư ký Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam Nguyễn Hồng Giang cho rằng có một thực tế là tỷ lệ nguyên liệu và phụ liệu nội địa còn hết sức khiêm tốn.
Chuyên gia này nhấn mạnh tới bài toán hóc búa đã đặt ra trong nhiều qua cho sự phát triển hiệu quả và bền vững của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh phải thỏa mãn các quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay FTA Việt Nam-EU…
Cụ thể là nguồn gốc sợi (yarn forward) đối với TPP hay nguồn gốc vải (fabric forward) đối với EU và Nhật Bản.
Khách đến tham quan Triển lãm VTG 2015. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)
Theo ông Nguyễn Hồng Giang, ngành dệt may dự báo sẽ đạt mức doanh thu xuất khẩu 28 tỷ USD trong năm 2015. Nhưng bên cạnh con số đầy lạc quan này, không thể không nhắc đến thách thức về nguồn nguyên liệu.
“Hàng năm, Việt Nam cần khoảng 8,5 tỷ mét vải để làm hàng may mặc, trong khi đó nguồn vải nội địa chỉ đáp ứng chưa tới 3 tỷ mét vải. Vì vậy, để hiện thực hóa được lợi thế về thuế quan trong các FTA, Việt Nam phải nhanh chóng bổ sung năng lực sản xuất khoảng 5 tỷ mét vải/năm,” ông Giang nhấn mạnh.
Phát biểu khai mạc Triển lãm, bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành dệt may sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa nhờ những ưu đãi và lợi thế do các FTA mang lại.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam khi phải cạnh tranh khốc liệt hơn với các doanh nghiệp nước ngoài./.