(MPI Portal) – Ngày 27/10/2015, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra buổi Tọa đàm lần thứ ba giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI).
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Tham dự Tọa đàm có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật Bản Mê Kông Kobayashi Yoichi và đồng Chủ tịch Ibi Masahiro, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Shimon Tokuyama, cùng đại diện khoảng 70 doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đại diện các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chào mừng Lãnh đạo Ủy ban kinh tế Nhật Bản Mê Kông và đoàn doanh nghiệp JCCI đến thăm và làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam. Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam – Nhật Bản có mối quan hệ đặc biệt, sự tin cậy lẫn nhau giữa các cấp Chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp và nhân dân. Đây là nền tảng đưa mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản phát triển bền vững.
Quan hệ đầu tư Việt Nam - Nhật Bản có nhiều thuận lợi phát triển từ khi hai nước ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư năm 2004, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện năm 2007, ngoài ra Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản (VJJI) được khởi xướng từ tháng 4/2003 là diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các cơ quan Chính phủ Việt Nam đã thực hiện được 5 giai đoạn và hiện đang trong quá trình triển khai giai đoạn 6, đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch.
Bên cạnh đó, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tập trung phát triển vượt bậc 6 ngành công nghiệp ưu tiên, bao gồm: điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, trước hết là doanh nghiệp Nhật Bản, tạo lan tỏa công nghệ và kỹ năng đối với ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Đánh giá cao buổi Tọa đàm, Bộ trưởng mong rằng, với mối quan hệ tốt đẹp, Nhật Bản tiếp tục có nhiều ý kiến góp ý, khuyến nghị, phản hồi giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đạt được những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.
|
Ông Kobayashi Yoichi, Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật Bản Mê Kông tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung
(MPI Portal)
|
Ông Kobayashi Yoich bày tỏ đồng tình với quan điểm Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và cho rằng, việc thành lập khối Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 sẽ đánh dấu sự phát triển của Khu vực. Qua buổi Tọa đàm, phía Nhật Bản mong muốn được cập nhật hơn về tình hình ban hành chính sách, xây dựng khung khổ pháp lý tại Việt Nam liên quan đến đầu tư kinh doanh, qua đó đưa ra một số khuyến nghị, trao đổi về những vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.
Chia sẻ về những điểm mới của Luật doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban phụ trách Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Luật này đã thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013, giảm rủi ro và tăng tính chủ động trong hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp. Luật quy định giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không bao gồm thông tin về ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, mà chỉ có những thông tin cơ bản, thông tin về ngành nghề kinh doanh dự kiến của doanh nghiệp do doanh nghiệp tự khai và lưu trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Một số cải cách quan trọng của Luật bao gồm: Bãi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp; Rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp hay thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp xuống tối đa không quá 3 ngày; Kết hợp đồng thời các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký lao động và đăng ký bảo hiểm xã hội; Thay đổi phương thức quản lý và bãi bỏ thủ tục về đăng ký mẫu dấu của doanh nghiệp... Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng đã được ban hành đầy đủ.
Trình bày những điểm mới của Luật đầu tư, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Luật đầu tư đã cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Trong đó, bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước, đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài với thời hạn tối đa 15 ngày thay cho 45 ngày như trước đây. Cùng với cải cách thủ tục hành chính, Luật này đã bổ sung, hoàn thiện một số quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc triển khai dự án đầu tư, đồng thời cải cách quy trình góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng cho phép nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp mà không phải thực hiện thủ tục đầu tư. Luật cũng quy định rõ, chỉ các doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 51% mới phải áp dụng điều kiện và thủ tục như nhà đầu tư nước ngoài.
|
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tọa đàm được nghe đại diện các doanh nghiệp, tổ chức của Nhật Bản trình bày những vướng mắc trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, gồm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc kết nối du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản với các doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản qua việc thiết lập cơ chế một cửa, nới lỏng quy định liên quan đến xuất nhập cảnh, visa cho người Nhật công tác tại Việt Nam; Các vấn đề về lương tối thiểu, số giờ làm thêm, quy định về nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng… và nhận được những giải đáp từ các cơ quan hữu quan Việt Nam.
Phía Nhật Bản đưa ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất một số giải pháp, cơ chế chính sách mà Nhật Bản đã và đang thực hiện có hiệu quả cho Việt Nam, đặc biệt là trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của logistics, vận chuyển hàng hóa trong quá trình đầu tư kinh doanh. Qua đó, Nhật Bản cam kết nỗ lực hết mình cho sự hợp tác song phương, vì lợi ích của cả hai bên./.
Nhật Bản là một trong những đối tác đầu tư hàng đầu tại Việt Nam với 37,9 tỷ USD của 2.725 dự án đang hoạt động, đứng thứ 2 trên 105 quốc gia, là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với tổng vốn ODA khoảng 2.500 tỷ Yên (~ 25 – 27 tỷ USD) trong hơn 20 năm qua, chủ yếu được dành cho phát triển cơ sở hạ tầng. |
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư