Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/10/2015-15:55:00 PM
Những thuận lợi và thách thức của Việt Nam khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN
(MPI Portal) - Ngày 29/10/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Thuận lợi và thách thức trong thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành của Việt Nam khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN”. Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển Đào Văn Hùng và Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng đồng chủ trì Hội thảo.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, việc nghiên cứu Đề án những thách thức, thuận lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN là vô cùng cần thiết.

Tại Hội thảo, đại diện Học viện Chính sách và Phát triển đã trình bày Đề án gồm các nội dung: Tổng quan các nghiên cứu đã được thực hiện; Các cam kết của hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); Kinh nghiệm quốc tế về hội nhập; Thực trạng thu hút FDI của Việt Nam từ các nước trong và ngoài AEC; Thuận lợi và thách thức trong thu hút FDI của Việt Nam; Thuận lợi và thách thức trong thu hút đầu tư của Việt Nam vào một số ngành; Thực trạng và rào cản của Việt Nam khi đầu tư trực tiếp sang các nước trong khu vực AEC; Thực trạng thu hút và dự đoán tác động của FII sau khi Việt Nam gia nhập AEC.

Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Văn Hùng phát biểu tại
Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)

Thực trạng thu hút FDI của Việt Nam từ các nước trong AEC chủ yếu từ 3 nước Xin-ga-po, Ma-lay-si-a, Thái Lan (chiếm 95% tổng FDI đến từ AEC tính đến tháng 6/2015). Quy mô vốn bình quân 1 dự án của ASEAN là 20,7 triệu USD/dự án (trung bình cả nước khoảng 14 triệu USD/dự án) và các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 1009 dự án và 22,2 tỷ USD tổng vốn đầu tư (chiếm 38% tổng số dự án và 40,8% tổng số vốn đầu tư từ các nước trong AEC).

Đề án đưa ra những thuận lợi trong việc thu hút đầu tư khi Việt Nam tham gia vào AEC. Việc AEC được thành lập cùng với xu hướng tăng lên của FDI toàn khu vực sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới vào ASEAN, trong đó có Việt Nam, tạo ra một thị trường thống nhất với quy mô gấp 7 lần quy mô của thị trường đơn lẻ từng quốc gia và GDP bình quân đầu người sẽ cao gấp 2,3 lần GDP bình quân đầu người của Việt Nam. Góp phần làm gia tăng lợi ích cho các nhà đầu tư, bên cạnh đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư có thể tiêu thụ hàng hóa trên toàn thị trường ASEAN.

Ngoài ra, thị trường nguyên liệu được mở rộng làm tiết kiệm thời gian và giảm chi phí sản xuất cho các nhà đầu tư. Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) và Hiệp định khung về hội nhập các ngành ưu tiên trong ASEAN làm tăng tính hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư (khi nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam và doanh nghiệp này đầu tư sang các nước ASEAN khác sẽ được hưởng tất cả các ưu đãi như một nhà đầu tư trong AEC).

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, Việt Nam vẫn còn những thách thức như: Năng lực cạnh tranh quốc gia những năm gần đây cải thiện không đáng kể so với các nước ASEAN khác; Môi trường đầu tư chưa hấp dẫn và đang mất dần các lợi thế cạnh tranh về lao động; Các ngành thu hút được nhiều FDI và có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng chính là các ngành được ưu tiên phát triển của nhiều nước ASEAN; Chiến lược mở rộng cơ sở sản xuất Thái Lan+1 khiến khả năng cạnh tranh của Thái Lan tăng cao trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, khắc phục điểm yếu về giá lao động; Tiềm lực tài chính từ các ngân hàng Trung Quốc cho các doanh nghiệp Thái Lan, Ma-lay-si-a, In-đô-nê-xi-a.

Đề án cũng đưa ra những thuận lợi và thách thức trong thu hút đầu tư của Việt Nam vào một số ngành đang được chú trọng là: dệt may và da giày, điện tử, ô tô, hàng không và nông nghiệp.

Tham gia ý kiến tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá cao Đề án và cho đây là tài liệu quan trọng giúp các cơ quan hoạch định chính sách đưa ra các giải pháp nhằm chuẩn bị tốt cho việc gia nhập AEC vào năm 2015 và tăng thu hút đầu tư nước ngoài trong tương lai./.

Minh Trang
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2527
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)