|
Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)
|
Trong đề cương Báo cáo nêu rõ, Việt Nam tiếp tục có những bước tiến đáng ghi nhận trong việc lồng ghép các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) với các mục tiêu phát triển kinh tế xã - hội của đất nước; huy động nhiều nguồn lực trong xã hội, tạo thế đồng thuận của cộng đồng cùng tham gia thực hiện các mục tiêu; chất lượng thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã được nâng lên. Nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 7,5% trong kế hoạch 5 năm 2001 – 2005; các ngành kinh tế, các vùng kinh tế đều có sự phát triển khá. Bước vào kế hoạch 5 năm 2006 – 2010, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao: năm 2006, GDP tăng 8,2%; năm 2007 tăng 8,48%.
Trước những biến đổi không thuận lợi của tình hình kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước những tháng đầu năm 2008 đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đầu tư, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Lạm phát tăng cao; Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững; những khó khăn đã dần được tháo gỡ; môi trường kinh tế từng bước được ổn định trong thế phát triển mới.
Tại hội thảo các đại biểu đã cùng nhau nhìn lại kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện các Mục tiêu MDG. Xác định những bài học, kinh nghiệm, nguyên nhân thành công và cả những khó khăn cản trở trong việc thực hiện các Mục tiêu MDG. Hội thảo cũng đề xuất các chỉ tiêu MDG phục vụ Báo cáo Quốc gia 2010 với 8 chỉ tiêu và 60 chỉ số.
Dưới đây là tình hình thực hiện Mục tiêu MDG của Việt Nam trong những năm qua:
Mục tiêu 1: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói
Tỉ lệ nghèo giảm, mức sống của các tầng lớp dân cư được cải thiện rõ rệt trong từng vùng, từng khu vực. Chỉ trong vòng 4 năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm 13% (từ 28,9% năm 2002 xuống còn 15,97% năm 2006). Các chương trình xóa đói, giảm nghèo quốc gia vẫn được tiếp tục chú trọng và triển khai thực hiện với nhiều giải pháp và hình thức thích hợp, hình thành các quỹ vì người nghèo, huy động nguồn lực trong các tầng lớp dân cư và trong doanh nghiệp cho xóa đói, giảm nghèo.
Mục tiêu 2: Phổ cập giáo dục tiểu học
Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện MDG số 2 về phổ cập giáo dục tiểu học; tạo nhiều cơ hội về hoàn thành sớm và đấy đủ chương trình giáo dục tiểu học. Tỉ lệ phổ cập tiểu học đạt 96% năm 2000 (năm 1990 là 87%). Nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường tỉ lệ nhập học ở bậc phổ thông.
Mục tiêu 3: Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ
Việt Nam đang được xếp vào nhóm nước có thứ hạng tốt về chỉ số phát triển và bình đẳng giới. Thu hẹp khoảng cách giới trong giáo dục ở các dân tộc thiểu số. Khoảng cách về việc làm và thu nhập giữa nam và nữ ngày càng được thu hẹp.
Mục tiêu 4: Giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em
Sức khỏe của trẻ em tiếp tục được cải thiện. Chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục được triển khai với quy mô rộng hơn và chất lượng hơn, mang lại hiệu quả cao. Tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm rõ rệt.
Mục tiêu 5: Tăng cường sức khỏe cho bà mẹ
Chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em được quan tâm nhiều hơn, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trong quá trình mang thai. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và nâng cấp; các loại dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi.
Mục tiêu 6: Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh nguy hiểm khác
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Với sự triển khai tích cực, tăng cường tuyên truyền, tư vấn, giáo dục, chữa trị và hòa nhập cộng đồng tốt cho những bệnh nhân HIV/AIDS. Tốc độ tăng lây nhiễm đã bước đầu được khống chế.
Tính từ năm 2000 đến 2007, số ca sốt rét trên 100 nghìn dân đã giảm hơn 10 lần.
Mục tiêu 7: Đảm bảo bền vững về môi trường
Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng: diện tích rừng tiếp tục được phục hồi và phát triển nhanh chóng; tỉ lệ đất có rừng che phủ được nâng lên rõ rệt: năm 2007 đạt 38,2%, năm 2008 đạt 39% dự kiến năm 2009 đạt 40%.
Trong khuôn khổ hỗ trợ từ các chương trình Mục tiêu Quốc gia và thông qua sự huy động, đóng góp từ nhiều nguồn lực xã hội khác. Tình trạng nhà tạm đã từng bước được giải quyết, nhất là ở những khu vực có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, đảm bảo bền vững về môi trường là thách thức lớn trong bối cảnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Mục tiêu 8: Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển
Việt Nam đã phát huy những lợi thế trong nước, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế; khắc phục những khó khăn hiện tại trong nền kinh tế…, duy trì được khả năng tăng trưởng kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn cầu vì sự phát triển; thực hiện chính sách mở cửa và chủ động hội nhập với khu vực và thế giới. Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO năm 2006, là Ủy viên không thường trực của hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, tham gia tích cực Diễn đàn kinh tế thế giới(WEF)...
Những kết quả đạt được trước hết là sự nỗ lực của Việt Nam, vượt qua thách thức, tiếp tục cải cách và đổi mới nền kinh tế, huy động tối đa các nguồn lực trong nước, khơi dậy các nhân tố tích cực trong các tầng lớp dân cư. Sự thành công đó còn do những tác động tích cực và trực tiếp, sự hỗ trợ cả về nguồn lực và kinh nghiệm của các tổ chức của Liên Hợp quốc, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ./.