Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được chia thành bốn trụ cột chính: Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất với tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ; Một khu vực kinh tế cạnh tranh; Sự phát triển công bằng và Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
|
Dây chuyền chế biến cá tra đông lạnh tại Đồng Tháp. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN) |
Với việc hình thành một thị trường và một cơ sở sản xuất thống nhất, AEC đưa đến sự chu chuyển tự do của năm yếu tố cơ bản là hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề, các dòng vốn và dòng đầu tư.
Dự kiến, kinh tế Việt Nam sẽ có bước ngoặt cải thiện đáng kể từ năm 2016, thông qua các hiệp định thương mại được ký kết và đi vào thực hiện.
Năm 2012, Việt Nam có mức tăng trưởng GDP thấp hơn trung bình và thấp hơn nhiều nước khác trong khu vực. Nếu GDP trung bình của Đông Á là 6%, Việt Nam chỉ đạt 5,2%, xếp dưới Philippines (6,8%), Thái Lan (6,5%), Indonesia (6,3%), Malaysia (5,6%).
Dự báo năm 2016, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên, cao hơn nhiều nước khác trong khu vực. Cụ thể, GDP trung bình của Đông Á là 6,1%, Việt Nam sẽ đạt 5,8%, chỉ xếp dưới Philippines (6,5%), còn lại là trên Thái Lan (4%), Indonesia (5,6%), Malaysia (5%)...
Tuy nhiên, Việt Nam cần nắm bắt, tận dụng được cơ hội để phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập sâu rộng; cũng như phát huy được những cơ hội từ các cam kết và thực thi cam kết hội nhập tương thích với yêu cầu cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng.
Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và nền kinh tế toàn cầu đầy biến động và thay đổi mạnh mẽ như vậy, cả Chính phủ và doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới nhận thức, học hỏi, sáng tạo và quyết liệt hành động trên nhiều khía cạnh.
Đối với Chính phủ, cần phải hết sức nỗ lực cải cách, xây dựng chính sách theo hướng hài hóa hóa các tuyến hội nhập với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế. Đặc biệt, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trên cả luật chơi, tổ chức cũng như thực thi.
Cùng với đó, tăng cường vai trò, vị thế của khu vực tư nhân, đáp ứng cam kết hội nhập theo các hiệp định thương mại, để làm sao thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khuyến khích sáng tạo cả về tư duy phát triển, năng lực quản lý, quản trị và đổi mới công nghệ. Từ đó, tạo dựng hình ảnh tốt về cách ứng xử của một nhà nước pháp quyền, một chính phủ phục vụ công dân, phục vụ doanh nghiệp, minh bạch, có khả năng giải trình, trách nhiệm.
|
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN) |
Riêng trong thời điểm hiện nay, rất cần thông tin và những trao đổi, đối thoại đầy đủ hơn giữa chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội. Thông tin không chỉ về các hiệp định thương mại Việt Nam tham gia và hội nhập, mà cả về chính sách, cải cách hiện hành cũng như những thay đổi cần thiết trong thời gian tới.
Cũng theo ông Thành, đối với doanh nghiệp, điều cốt lõi phải xem kinh doanh là cái nghiệp, gắn sứ mệnh đó với học hỏi cách thức kinh doanh trong bối cảnh mới.
Trong xu thế hiện nay, doanh nghiệp không những cần kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh, mà nâng cao năng lực cạnh tranh cần được tiếp cận theo nhiều góc độ bằng cách phân tích lợi thế so sánh tĩnh hay động.
Song song với đó, cạnh tranh không loại trừ việc học kết nối trong một thế giới với nhiều mạng sản xuất, nhiều chuỗi giá trị, hay liên kết với công ty đầu đàn, tham gia chuỗi giá trị có thể tăng lợi thế nhờ quy mô, phát huy tốt hơn lợi thế so sánh, giảm phí tổn kết nối dịch vụ.
Đặc biệt, việc huy động vốn cũng trở nên đa dạng hơn, không chỉ là vay tín dụng, phát hành trái phiếu và cổ phiếu, mà còn là sự giao thoa giữa chúng.
Điều quan trọng là quản trị sự bất định thông qua việc hiểu và sử dụng hiệu quả các công cụ phòng chống rủi ro, biến cái bất định thành cái xác định cũng như nhận thức và đảm bảo đầy đủ yêu cầu tiêu chuẩn, các hàng rào kỹ thuật nhất là tại các thị trường phát triển đối với các nhà xuất khẩu.
Ông Thành cho rằng, hiểu thông tin cam kết hội nhập là chưa đủ, doanh nghiệp cần nắm bắt cả những chính sách, cải cách hiện hành và sắp tới của Chính phủ. Thực tiễn kinh doanh cũng là một cơ sở đắt giá để Chính phủ có cam kết hội nhập, có chính sách thích hợp hơn. Điều đó có những trao đổi, đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa doanh nghiệp, hiệp hội với Chính phủ.
Ngoài ra, nhà nước còn có thể có những chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, để phát huy được những cơ hội từ các hiệp định thương mại, nhà nước không ngừng kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ, thực hiện nghiêm túc các cam kết cải cách và hội nhập.
Nhà nước phải tăng cường thông tin cho doanh nghiệp về các cam kết của Việt Nam và cam kết của các nước đối tác trong các hiệp định thương mại. Bên cạnh đó, nhà nước cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, giá cả, bảo vệ lợi ích chính đáng của nền kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam; rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, vùng phù hợp tiến trình hội nhập.
Về phía doanh nghiệp, theo bà Lan, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin sâu về các cam kết hội nhập để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tận dụng được cơ hội, sẵn sàng đối phó với cạnh tranh, cũng như chủ động đầu tư, đổi mới quản trị, nâng cấp trang thiết bị công nghệ, nâng cao tay nghề và năng lực của người lao động, đồng thời chủ động tạo sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp và với các đối tác liên quan như nhà quản lý, nhà khoa học, nông dân, các hiệp hội…
Cộng đồng ASEAN cam kết thúc đẩy văn hóa cạnh tranh công bằng thông qua việc ban hành các chính sách và luật cạnh tranh, đảm bảo sân chơi bình đẳng và hiệu quả kinh tế ngày càng cao.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần có tầm nhìn dài hạn với mục tiêu chiến lược đúng và định vị rõ chân dung quốc gia trên bản đồ thế giới. Cần cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp tư nhân là chủ lực, là trụ cột cạnh tranh trong thị trường hội nhập của đất nước.
Ba vấn đề mấu chốt để nắm bắt và tận dụng được các cơ hội của Việt Nam khi tham gia AEC là: có tầm nhìn và chính sách để có cơ hội đột phá tiến lên về thể chế; tổ chức kinh tế theo chuỗi toàn cầu, đặc biệt là nông nghiệp và cuối cùng là áp dụng các công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế./.
Phạm Duy Khương
TTXVN/Vietnam+