Chỉ còn một tháng nữa, một cộng đồng kinh tế được nhất thể hóa theo kế hoạch của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ trở thành hiện thực.
(Nguồn: aseanbac.ph)
Tuy nhiên đối với ASEAN, bên cạnh những cơ hội đang mở ra, giới chuyên gia cũng đề cập tới các thách thức lớn ở phía trước trong tiến trình hợp thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới.
ASEAN đã phát triển về quy mô và nâng tầm ảnh hưởng kể từ khi ra đời vào năm 1967 và nay có tổng GDP là 2.500 tỷ USD, với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 1.200 tỷ USD.
Sớm nhận rõ tiềm năng tăng trưởng và đòn bẩy lớn hơn về mặt kinh tế, các nhà lãnh đạo ASEAN năm 2007 đã thông qua kế hoạch chỉ đạo xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Với hơn 600 triệu dân, thị trường ASEAN tiềm năng sẽ vượt qua cả Liên minh châu Âu (EU) và Bắc Mỹ.
Vượt qua thách thức
Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), các nhà phân tích cho rằng ASEAN cần phải nỗ lực rất nhiều thì trụ cột quan trọng nhất là AEC mới có thể đạt được mục tiêu quan trọng là tạo sự tự do hơn cho việc di chuyển công nhân lành nghề, thương mại và dòng vốn tại khu vực này.
Một số chuyên gia khu vực dự đoán việc thực thi AEC hầu như chỉ làm lợi cho các công ty, chứ chưa phải cho đa số người dân khu vực.
Curtis S. Chin, cựu Đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho hay “thời gian sẽ là câu trả lời cho lễ ký kết ngày 22/11 chỉ mang tính chất hình thức hay có ý nghĩa thực chất.
Song kể từ ngày 1/1/2016, AEC sẽ không thể chỉ được thể hiện qua những phát biểu hùng hồn mà chắc chắn phải thông qua những hành động cụ thể."
Hãng tin Bloomberg dẫn lời Michael Every, người phụ trách mảng nghiên cứu tài chính khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn Rabobank ở Hong Kong, cho biết từng quốc gia thành viên ASEAN vẫn còn chú trọng lợi ích của bản thân và hầu như chưa nhận được sự ủng hộ nhiều của người dân hay quyết tâm chính trị để hội nhập sâu hơn nữa, hoặc tài trợ cho sự hội nhập này.
Theo Rabobank, kim ngạch thương mại nội khối ASEAN chỉ chiếm khoảng 26% tổng kim ngạch của toàn khối, so với mức khoảng 60% của EU.
Các nhà phân tích nhận định, vấn đề di cư là một trong những thách thức lớn mà AEC đang đối mặt, khi các nước thành viên vẫn chưa đạt đồng thuận về mở cửa thị trường lao động.
Hiện các nước ASEAN có thỏa thuận chung về mong muốn thực hiện các giải pháp cho phép lao động có tay nghề có thể đi lại dễ dàng giữa các nước thành viên, nhưng chưa có thỏa thuận nào về sự di chuyển của lao động nói chung.
Ngoài ra, đặt trong bối cảnh AEC không ngừng phát triển thì sẽ luôn có những thách thức mới cần được giải quyết, có nghĩa là nếu vấn đề lao động được giải quyết sẽ lại có những vấn đề khác nảy sinh.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed từng nhận định khu vực ASEAN sẽ chính thức thành lập thị trường chung vào cuối năm nay, song những “mục tiêu lớn” có thể sẽ chỉ đạt được vào năm 2020. Ông Mustapa cho biết năm 2015 sẽ đặt nền tảng cho việc thành lập và phát triển AEC.
Khu vực ASEAN với dân số khoảng 600 triệu người, đang nỗ lực để thành lập AEC trước thời hạn ngày 31/12, với việc bãi bỏ thuế quan và tự do hóa nguồn lao động tay nghề cao giữa các nước thành viên.
Tuy vậy, các mục tiêu này được cho là sẽ tiến triển chậm chạp, do trình độ phát triển kinh tế của các nước có sự chênh lệch rất lớn.
Ông Mustapa thừa nhận rằng có thể phải đến năm 2020 hội nhập kinh tế ASEAN mới thực sự đạt được những tiến bộ rõ ràng trong các mục tiêu về loại bỏ các hàng rào phi thuế quan và di chuyển lao động tay nghề cao.
Cộng đồng doanh nghiệp đã và đang kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN đẩy nhanh tiến trình hội nhập, song ông Mustapa cho biết mô hình ASEAN không phải là chuyện “ngày một ngày hai” do vẫn có những vấn đề khác biệt về biên giới, quy định hải quan...
Trong khi Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Sri Mulyani Indrawati cũng khuyến cáo rằng tài chính là nguồn lực quan trọng đối với các nước Đông Nam Á trong giai đoạn hiện nay nhằm đẩy nhanh sự phát triển trong khu vực, tăng cường kết nối và hội nhập.
Theo bà Sri Mulyani Indrawati, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp từ 23-58% GDP khu vực. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có chưa đầy 15% các doanh nghiệp có thể tiếp cận các khoản tín dụng ngân hàng.
Nắm bắt cơ hội
Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết sau khi thành lập AEC, nền kinh tế ASEAN sẽ đạt tăng trưởng dự kiến 5,6%/năm cho tới năm 2019.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN 2015 diễn ra gần đây, Thủ tướng Najib Razak bày tỏ tin tưởng rằng với việc thành lập AEC, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực sẽ tiếp tục tăng.
Ông khẳng định các nền kinh tế thành viên sẽ tăng trưởng bền vững, mang lại sự thịnh vượng và nâng cao đời sống mọi người dân.
Theo ông, AEC sẽ tạo ra thêm nhiều cơ hội kinh tế và và việc làm trong ASEAN, giúp Hiệp hội tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với giới đầu tư và doanh nhân quốc tế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mustapa Mohamed cho biết ASEAN đã đạt tăng trưởng và phát triển kinh tế mạnh trong hai thập niên qua, đã giảm bớt các rào cản góp phần thúc đẩy cả thương mại và đầu tư.
Năm 2014, ASEAN đã thu hút 136 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vượt qua Trung Quốc, trong đó đầu tư nội khối ASEAN đóng góp khoảng 20%. Triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn của ASEAN vẫn đầy hứa hẹn.
Trước đó, theo Báo cáo Đầu tư ASEAN 2015, ASEAN trong năm 2014 đã thu hút được 136,2 tỷ USD vốn FDI, so với con số 117,7 tỷ USD trong năm 2013, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp vốn FDI tăng.
Thành tích trên của ASEAN đạt được trong bối cảnh dòng vốn FDI trên toàn cầu sụt giảm 16% và tăng trưởng kinh tế toàn cầu không đồng đều. Năm 2014, ASEAN trở thành khu vực thu hút nhiều FDI nhất trong thế giới phát triển.
Việc cải thiện môi trường đầu tư của khu vực, cũng như tiến trình hội nhập để tiến tới AEC vào cuối năm 2015 đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn của ASEAN đối với FDI.
Ngoài ra, "sức hút" của ASEAN còn xuất phát từ nền tảng kinh tế vững mạnh và sức tăng trưởng của thị trường. Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định, ASEAN hiện được coi là "điểm đến đầu tư hàng đầu."
Cũng theo báo cáo trên, vốn đầu tư trong nội khối ASEAN cũng tăng 26% lên 24,4 tỷ USD trong năm 2014, so với mức 19,4 tỷ USD năm 2013.
Một điểm đáng chú ý là các học giả Campuchia cho rằng AEC sẽ giúp tăng tầm ảnh hưởng của ASEAN trên "sân khấu toàn cầu," có sức ảnh hưởng mạnh hơn trên trường quốc tế.
Ông Chheang Vannarith, Chủ tịch Viện nghiên cứu chiến lược Campuchia và là một giảng viên đại học, cho biết ASEAN sẽ có một vai trò quan trọng hơn trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, cũng như thúc đẩy phát triển cộng đồng khu vực ở Đông Á.
Trong khi đó, các nhà kinh tế thuộc ngân hàng ANZ (có trụ sở tại Australia), với giá nhân công rẻ, lực lượng lao động trẻ và vị trí chiến lược của Myanmar, Campuchia và Lào, khu vực Đông Nam Á sẽ ngày càng thu hút nhiều nhà sản xuất, và trong 10-15 năm tới sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành "công xưởng của thế giới'' với lợi thế lao động giá rẻ và dồi dào ở các khu vực, chẳng hạn như khu vực Mekong.
Việc chuyển đổi sẽ là một phần sự phát triển của ASEAN để trở thành "trụ cột thứ ba'' cho tăng trưởng khu vực, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Đến năm 2030, hơn một nửa trong số 650 triệu người ở khu vực Đông Nam Á sẽ ở độ tuổi dưới 30, là một phần của tầng lớp trung lưu mới nổi với mức tiêu dùng cao./.