Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ về nhiệm vụ KT-XH trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cho biết cây công nghiệp sẽ được chú trọng phát triển.
|
Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: VGP/Minh Hùng |
Ông Võ Ngọc Thành cho biết năm 2015, trong điều kiện chung còn gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai tiếp tục chuyển biến tích cực. Trong đó, năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng đều đạt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm 2014.
Ngành chăn nuôi bước đầu có bước đột phá theo hướng chăn nuôi gia súc tập trung và chế biến sản phẩm.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo cụ thể và đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới; công tác quản lý và bảo vệ rừng được quan tâm thực hiện. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 còn 11,67%, giảm 2,29% so với đầu năm.
Thưa ông, cây công nghiệp là thế mạnh của Gia Lai, vậy những năm tới, tỉnh sẽ có những giải pháp nào để phát triển nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương?
Ông Võ Ngọc Thành: Để phát huy lợi thế, tiềm năng đất đai và khí hậu của tỉnh cho phát triển nông nghiệp, năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Nhìn chung sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, tạo được nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới, trong đó phải kể đến các loại cây công nghiệp là thế mạnh của tỉnh như:cao su, hồ tiêu, cà phê, chè, điều, mía,…
Trong năm 2016 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp để phát triển cây công nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Tỉnh sẽ nhanh chóng chuyển hướng đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác và phòng trừ bệnh hại để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.
|
Rừng cao su ở Gia Lai. Ảnh: Báo Gia Lai |
Tăng cường áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất, hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch, ổn định đầu ra cho sản phẩm bằng các cơ chế, chính sách thích hợp, thực hiện cải tạo, tái canh diện tích cây trồng già cỗi, năng suất thấp (nhất là cây cà phê).
Đặc biệt, tỉnh sẽ rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến và xuất khẩu sản phẩm các loại cây công nghiệp.
Xây dựng nông thôn mới là mục tiêu trọng điểm của quốc gia và của tỉnh. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn chưa đạt được mục tiêu như mong muốn? năm 2016 và các năm tiếp theo, chương trình sẽ được thực hiện như thế nào thưa ông?
Ông Võ Ngọc Thành: Qua 5 năm (2011-2015) triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã có 22 xã đạt 19 tiêu chí (trong đó đã có Quyết định công nhận 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới), 16 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 55 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 95 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 17 triệu đồng/người/năm; thu nhập/ha đất sản xuất đạt 84 triệu đồng…
Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra là đến cuối năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu có 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Nghị quyết số 03/NQ/TU ngày 19/7/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV (về xây dựng nông thôn mới tỉnh Gia Lai đến năm 2020).
Chúng tôi nhận thức rằng, xây dựng nông thôn mới vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài. Vì vậy, Gia Lai phấn đấu đến năm 2020 có 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới và tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn.
Trong năm 2016 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, có kế hoạch cụ thể cho từng năm để chỉ đạo tập trung nguồn lực hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Nhanh chóng củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống, bộ máy xây dựng nông thôn mới các cấp để thực hiện xây dựng nông thôn mới ngày càng có hiệu quả hơn.
Tăng cường sự chỉ đạo của các sở, ban, ngành trong việc phối hợp tích cực với các địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới...
|
Một góc TP. Pleiku. Ảnh: Báo Gia Lai |
Thưa ông, trên cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cá nhân ông sẽ thực hiện như thế nào việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương trong năm 2016?
Ông Võ Ngọc Thành: Với cương vị là người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh, tôi sẽ cùng với tập thể lãnh đạo chỉ đạo điều hành những nhiệm vụ trong tâm một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Cụ thể là tập trung rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch ngành, sản phẩm, đảm bảo sát thực tế, có tính khả thi cao.
Xem việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh là giải pháp hàng đầu để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trên các lĩnh vực.
Tìm giải pháp hữu hiệu thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực, nhất là nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh việc hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiệu quả và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thực hiện khuyến khích phát triển các ngành, các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; phát triển một số ngành công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và công nghiệp phụ trợ; ưu tiên phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản (theo hướng tinh, sâu), công nghiệp sinh học, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Lê Minh Hùng (thực hiện)
Chinhphu.vn