Trong Sách Trắng mới nhất về viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản do Bộ Ngoại giao nước này công bố ngày 11/3, Tokyo nêu bật tầm quan trọng của việc hỗ trợ 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/Getty Images)
|
Theo hãng tin Kyodo, Sách Trắng trên nhận định ASEAN là khu vực cực kỳ quan trọng ở cả khía cạnh chính trị lẫn kinh tế do nằm dọc tuyến đường biển của Nhật Bản và có các mối quan hệ kinh tế vững mạnh, trong đó nhiều công ty Nhật Bản đang hoạt động tại những nước này.
Sách Trắng nhấn mạnh: "Ổn định và phát triển khu vực này sẽ ảnh hưởng lớn tới an ninh và thịnh vượng của Nhật Bản".
Sách Trắng nêu rõ viện trợ của Nhật Bản cho ASEAN sẽ bao gồm các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, củng cố luật pháp và an toàn hàng hải.
Bên cạnh đó, theo Sách Trắng, Nhật Bản cũng sẽ cố gắng thiết lập một "trật tự dựa trên các giá trị chung" tại Đông Á, trong đó bao gồm tự do, dân chủ, tôn trọng những quyền cơ bản của con người cũng như luật pháp.
Về phát triển cơ sở hạ tầng, Sách Trắng cho biết Nhật Bản dự định thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, nhằm “đưa châu Á trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tạo công ăn việc làm và cung cấp công nghệ cho người dân địa phương".
Đến năm 2020, Nhật Bản cùng với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ nâng tổng số vốn đầu tư vào châu Á lên khoảng 110 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với mức hiện nay.
Theo Sách Trắng, tổng số vốn ODA của Nhật Bản năm 2014 ở mức khoảng 15,71 tỷ USD, giảm 30,3% so với năm trước đó và xếp thứ 4 sau Mỹ, Anh và Đức. Các nước Đông Nam Á nằm trong số những quốc gia chủ chốt nhận viện trợ ODA của Nhật Bản.
Năm ngoái, Nhật Bản đã sửa đổi Hiến chương Hợp tác Phát triển lần đầu tiên kể từ năm 2003, theo đó nhấn mạnh chủ trương sử dụng viện trợ phát triển cho nước ngoài để bảo vệ các lợi ích quốc gia trong bối cảnh môi trường toàn cầu thay đổi./.