Nhìn lại kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
Nhìn lại kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
Ngày 29/11/2005, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XI, Luật Phòng, chống tham nhũng đã được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2006. Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời đã đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh chống tham nhũng ngày 26/02/1998 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh chống tham nhũng ngày 28/4/2000, đồng thời thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Trong 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt các nhiệm vụ, giải pháp về phòng ngừa tham nhũng, việc hoàn thiện các thể chế, chính sách về quản lý kinh tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN và hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện công tác PCTN; Ý thức của cán bộ, công chức, viên chức của Bộ trong công tác PCTN ngày càng được nâng cao.
Nhân dịp Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN toàn quốc sắp diễn ra, cùng nhìn lại những kết quả đã làm được trong công tác PCTN của Bộ ta.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN, Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ về PCTN, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về PCTN
Bộ và các đơn vị trực thuộc thường xuyên, kịp thời triển khai việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức quy định của Luật PCTN, các Luật sửa đổi, bổ sung Luật PCTN; Phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách về PCTN như: Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”; Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa X) về công tác PCTN, lãng phí; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về các nội dung liên quan đến PCTN, lãng phí; Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”…;
Trên cơ sở các Chương trình, Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ về PCTN của Chính phủ, Bộ đã kịp thời xây dựng và ban hành các Kế hoạch để triển khai thực hiện trong Bộ; Xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06/12/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí" giai đoạn 2012 - 2016.
Định kỳ hằng năm, Bộ tổ chức các lớp tập huấn trong chương trình đào tạo hằng năm của Bộ, phối hợp với Đảng uỷ, Công đoàn Bộ tổ chức các hội thảo, các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề để phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về PCTN mới tới toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong Bộ.
Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về PCTN
Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN theo thẩm quyền; Hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên về PCTN: Xây dựng và ban hành Chương trình thực hiện Luật PCTN trong Bộ, Kế hoạch thực hiện Luật PCTN hằng năm; Quy định về kê khai, xác minh tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ; Quy định về minh bạch tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ; Các Chương trình, kế hoạch để thực hiện trong Bộ, trong đó xác định rõ nội dung, tiến độ và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và cá nhân.
Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng: để tăng cường tính công khai minh bạch trong quản lý nhà nước cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước của Bộ, từ năm 2005 đến nay, Bộ đã xây dựng, trình các cơ quan nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) và Bộ cũng đã đã ban hành, tổng cộng 223 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ về đầu tư, đầu tư công, đấu thầu, doanh nghiệp, hợp tác xã, quy hoạch và thống kê. Trong đó có 8 Luật và Luật sửa đổi, bổ sung; 40 Nghị định và Nghị định sửa đổi, bổ sung; 63 Thông tư và Thông tư sửa đổi, bổ sung; 13 Thông tư liên tịch và Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung; 53 Quyết định và 46 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Bằng việc xây dựng và trình ban hành nhiều Luật, cũng như kịp thời xây dựng và trình ban hành các Luật sửa đổi, bổ sung các Luật, ban hành các cơ chế, chính sách về kế hoạch, đầu tư, thống kê đã được thể chế hoá, các hạn chế, sơ hở trong quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư ngày càng được khắc phục, các quy định về quản lý và thực hiện ngày càng được công khai, minh bạch, trong đó cơ chế quản lý đầu tư đã có nhiều đổi mới, thực hiện phân cấp, giao quyền và tạo chủ động cho các Bộ, ngành, địa phương. Điều này có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng trong các lĩnh vực quản lý của Bộ.
Thực hiện tích cực các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ với mục đích xoá bỏ dần các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo cho việc quản lý nhà nước chặt chẽ và hiệu quả. Công tác cải cách hành chính được Bộ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ trên cả 5 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hoá nền hành chính.
Thực hiện Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2007/NĐ-CP quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; Việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khi có dấu hiệu tham nhũng.
Công khai, minh bạch trong thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động đấu thầu sử dụng ngân sách nhà nước; Xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công; Thực hiện quyền tự chủ về tài chính, biên chế và giao khoán kinh phí hoạt động cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có đủ điều kiện; Thực hiện việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị: trong hoạt động mua sắm công, trong quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản, công tác tài chính, ngân sách nhà nước, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước.
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác minh bạch tài sản, thu nhập, Bộ luôn xác định việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ kê khai là một nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng trong công tác quản lý cán bộ và công tác PCTN. Theo đó, Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành việc kê khai tài sản thu nhập nhằm triển khai thực hiện tốt các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập theo Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, cụ thể: Bộ đã xây dựng và ban hành quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên Bộ (Quyết định số 1260/QĐ-BKH ngày 27/11/2006).
Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê
Trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ được đẩy mạnh, Thanh tra Bộ đã triển khai 20 cuộc thanh tra về phân bổ vốn và sử dụng vốn đầu tư phát triển tại các tỉnh, thành phố và 7 cuộc thanh tra chuyên đề về quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển đối với chương trình đê sông, đê biển; Tiến hành thanh tra 07 cuộc về các dự án đầu tư theo hình thức BOT; Tiến hành thanh tra đối với hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng; 03 cuộc thanh tra chuyên đề về đấu thầu; Đồng thời, lồng ghép nội dung về đấu thầu tại các công trình dự án trong các cuộc thanh tra, kiểm tra diện rộng tại 30 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành.
Kết quả thanh tra cho thấy việc lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn. Các địa phương đã nhận thức rõ và quán triệt các yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư phát triển trong tất cả các khâu, từ quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án, bố trí vốn, đến triển khai, giám sát thực hiện, thanh toán, quyết toán,... Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương và vốn trái phiếu chính phủ, các địa phương đã chấp hành tốt việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, việc phê duyệt dự án thực hiện theo ý kiến thẩm định của cấp có thẩm quyền. Quá trình phân bổ vốn được thực hiện một cách công khai, minh bạch theo đúng các tiêu chí, định mức quy định, giảm phiền hà, nhũng nhiễu và tiêu cực. Việc bố trí vốn đầu tư được tập trung hơn, đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình, dự án vào sử dụng phát huy hiệu quả. Tình trạng nợ đọng vốn xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ. Công tác rà soát, thẩm định dự án, trong đó có thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn được chú trọng. Hầu hết các dự án được triển khai thực hiện có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật. Công tác quản lý thực hiện dự án đầu tư, thi công công trình được tăng cường, nhiều dự án triển khai đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Qua thanh tra, kiểm tra trực tiếp các dự án đầu tư này, Thanh tra Bộ đã kiến nghị xử lý về kinh tế với tổng số tiền là: 1.209,7 tỷ đồng, trong đó: kiến nghị giảm trừ khi thanh toán, quyết toán: 109,3 tỷ đồng; xuất toán, thu hồi về ngân sách: 1.100 tỷ đồng (thu hồi về ngân sách địa phương: 1.078 tỷ đồng; thu hồi về ngân sách Trung ương qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ: 22,5 tỷ đồng); Kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và địa phương một số giải pháp nhằm sớm đưa các công trình dang dở vào hoạt động để tránh dàn trải, lãng phí.
Từ những kết quả trên cho thấy, qua 10 năm thực hiện Luật PCTN, công tác PCTN của Bộ đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, lĩnh vực hoạt động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tham nhũng đòi hỏi Bộ phải có nhiều biện pháp cụ thể và quyết liệt hơn nữa để nâng cao công tác PCTN trong giai đoạn tiếp theo./.
Lan Hương
Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư