Nhân chuyến thăm Liên bang (LB) Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trước sự hiện diện của Thủ tướng hai nước, hàng loạt biên bản ghi nhớ, thỏa thuận đầu tư đã được doanh nghiệp hai bên ký kết để sớm triển khai.
|
Thủ tướng hai nước chứng kiến việc ký thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn TH (Việt Nam)
và tỉnh Kaluga (LB Nga). Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đầu tư 190 triệu USD nuôi bò sữa tại Nga
Theo Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn TH (sở hữu thương hiệu sữa TH True Milk) và tỉnh Kaluga (Liên bang Nga), Tập đoàn TH dự kiến sẽ đầu tư 190 triệu USD (khoảng 4.200 tỷ đồng) để triển khai xây dựng 3 cụm trang trại bò sữa tại hai huyện Ulianov và Mosacalsky (thuộc Kaluga).
Dự án này là một phần của đại dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Liên bang Nga, với tổng số vốn đầu tư 500 triệu USD cho giai đoạn 1. Đại dự án này nằm trên hai tỉnh là Moscow và Kaluga.
Đây là dự án đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa tại Liên bang Nga - quốc gia có truyền thống lâu đời về sử dụng sữa, các sản phẩm từ sữa - và cũng là dự án có vốn đầu tư lớn nhất của Việt Nam hiện nay tại quốc gia này. Trang trại của Tập đoàn TH xây dựng tại Kaluga sẽ có mô hình tương tự như mô hình mà tập đoàn này đang vận hành tại huyện Nam Đàn (Nghệ An).
Dự kiến vào giữa năm 2017, sản phẩm sữa TH đầu tiên sẽ ra mắt tại Liên bang Nga.
Theo kế hoạch dự kiến, Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa sẽ có tổng mức đầu tư là 2,7 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn.Khi hoàn thành Dự án ở giai đoạn 3, tổng số đàn bò dự kiến là: 350.000 con, tổng công suất chế biến sữa là 5.900 tấn/ngày, tương đương gần 1.800.000 tấn/năm, tổng diện tích vùng nguyên liệu tập trung là 140.000 ha. Tập đoàn cũng dự kiến thành lập chuỗi phân phối với 300 cửa hàng trên toàn nước Nga.
Dự án này sẽ sản xuất các sản phẩm sữa tươi sạch, chất lượng cao, cung cấp cho người tiêu dùng địa phương nói riêng và toàn Liên bang Nga nói chung, theo chuỗi sản phẩm khép kín "từ đồng cỏ đến bàn ăn". Dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu về sữa của người dân Nga, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn sữa bên ngoài cũng như tiết kiệm được một lượng lớn ngoại tệ từ việc nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa hằng năm.
|
Công ty CP Đầu tư TNG Holdings Việt Nam và Cơ quan Quản lý công sản ngoài nước (LB Nga)
ký biên bản ghi nhớ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đầu tư 300 triệu USD xây Tổ hợp bất động sản tại Hà Nội
Công ty CP Đầu tư TNG Holdings Việt Nam và Cơ quan Quản lý công sản ngoài nước, trực thuộc Cục Quản trị Văn phòng Tổng thống LB Nga FGUP đã ký biên bản ghi nhớ về việc liên doanh đầu tư phát triển Dự án Tổ hợp Bất động sản tại khu đất trước kia là Trung tâm Kỹ thuật đa ngành Nga tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) với tổng giá trị đầu tư lên tới 300 triệu USD (khoảng 6.500 tỷ đồng).
Việc liên doanh giữa hai đơn vị này là điểm nhấn quan trọng của sự phát triển hợp tác kinh tế giữa hai nước, tiếp nối truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam-Liên bang Nga, đồng thời mở ra những xu hướng hợp tác mới bên cạnh những lĩnh vực truyền thống như dầu khí hay công nghiệp nặng.
|
Đại diện SCIC và RDIF ký bản ghi nhớ về việc thiết lập một quỹ đầu tư chung.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Việt-Nga lập quỹ đầu tư 500 triệu đô la
Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước Việt Nam (SCIC) và Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) đã ký bản ghi nhớ về việc thiết lập một quỹ đầu tư chung trị giá 500 triệu USD để thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương.
Theo thỏa thuận, mỗi bên sẽ đầu tư 250 triệu USD vào quỹ, hướng tới các dự án thúc đẩy thương mại song phương và đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa hai nước, cũng như các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga.
|
PetroVietnam và Gazprom ký kết hợp tác phát triển nhiều dự án điện lớn tại Việt Nam.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Hợp tác phát triển nhiều dự án điện lớn
Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) cho biết, Tập đoàn này và Tập đoàn Năng lượng Gazprom (LB Nga) đã ký kết hợp tác phát triển nhiều dự án điện lớn tại miền Trung và miền Nam.
Cụ thể, PetroVietnam và Gazprom đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển các dự án điện, gồm dự án Nhà máy điện Sơn Mỹ 2 sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tại Bình Thuận, dự án Trung tâm điện lực tại miền Trung Việt Nam sử dụng khí Lô 112 do Công ty Điều hành dầu khí Vietgazprom điều hành và các dự án điện tiềm năng khác trên lãnh thổ Việt Nam.
Các văn bản ký kết này sẽ là tiền đề để các bên trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các công ty con, công ty chi phối bước đầu tiến hành nghiên cứu, phát triển các dự án điện lớn.
Bên cạnh đó, hai tập đoàn tiếp tục ký văn bản bổ sung gia hạn thỏa thuận hợp tác về đào tạo giữa hai bên và ký hợp đồng chia sản phẩm dầu khí Lô 16-01/15 giữa PetroVietnam và Liên doanh Vietsovpetro.
Trong liên doanh này, Vietsovpetro và PetroVietnam chiếm 51% vốn, Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) chiếm 29%, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (10%) và Công ty CP Sovico (10%). Vietsovpetro sẽ điều hành dự án./.
T. Minh (tổng hợp)
Cổng thông tin điện tử Chính phủ